Trang chủ   >  

Kỷ nguyên nuôi biển tiến ra xa bờ


(11/07/2023 12:00:00 SA)

Vùng biển ven bờ nước ta đang quá tải về diện tích nuôi trồng thủy sản, Chính phủ đang có chủ trương tiến ra nuôi biển ở xa bờ, nhưng phải đối mặt bão tố thường xuyên. Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp cụ thể ở tầm chiến lược và công nghệ lồng nuôi nào sẽ chịu được những đợt sóng biển cao bằng ngôi nhà.

Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lệ Giang
Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm quy mô công nghiệp 
tại vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

“Tại Khánh Hòa có thuận lợi rất lớn khi triển khai chương trình nuôi biển xa bờ, bởi vì đã có Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm hiện đại, trở thành trung tâm nuôi biển bậc nhất nước ta. Những doanh nghiệp làm sau, có thể nhân rộng từ mô hình này, cần hướng đến mục tiêu nuôi biển kết hợp với du lịch biển, điện gió, dầu khí, đóng tàu... Ở Na Uy đã rất thành công loại hình kinh tế biển tổng hợp như thế này" - Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam đặt vấn đề tại Hội thảo “Kỷ nguyên nuôi biển tiến ra xa bờ” diễn ra mới đây tại tỉnh Khánh Hòa.

Lấy mô hình nhỏ “mồi” dự án lớn

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng đã viện dẫn sức mạnh của nuôi biển quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới vào nuôi cá chẽm ở vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (gọi tắt là Australis Việt Nam) đã đầu tư theo từng giai đoạn, lúc đầu chỉ mang tính thử nghiệm và thăm dò thị trường tiêu thụ. Về sau tăng dần quy mô nuôi trồng, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất con giống, nuôi cá thịt, xây dựng nhà máy chế biến, phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm đến tận cửa hàng tiện lợi ở Mỹ, Nhật Bản...

“Australis Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu và phát triển thêm vùng nuôi cá chẽm ở biển Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Với kinh nghiệm, công nghệ, tiềm lực tài chính của công ty mẹ, họ đã quyết định đầu tư Australis Việt Nam thêm 800 triệu USD để nuôi cá ở vùng biển hở. Các doanh nghiệp của Việt Nam không cần bỏ quá nhiều tiền ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, nên áp dụng phát triển nuôi biển công nghiệp của Australis Việt Nam. Từ đây sẽ đúc rút từ thực tiễn, cải tiến thêm kỹ thuật để tăng sức chống chịu bão gió, vững tiến ra nuôi xa bờ” - PGS.TS Dũng thông tin.

Australis Việt Nam hoạt động tại nước ta từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư hơn 200 triệu USD, trở thành nhà sản xuất cá chẽm biển lớn nhất thế giới, sản lượng trên 10.000 tấn/năm. “Cần xác định rõ ràng, nuôi cá biển quy mô công nghiệp là kênh đầu tư dài hạn vào sản xuất và tiếp thị mạnh khâu bán hàng. Đây là những công việc luôn đi song hành với nhau. Với những doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam nên lấy mô hình nhỏ làm trước, tích lũy kinh nghiệm, coi như làm “mồi” cho dự án lớn sau này. Bởi vì công nghệ, thị trường luôn thay đổi, cần có những bước đi chắc chắn” - ông Josh Goldman, Tổng Giám đốc Australis Việt Nam chia sẻ.

Nuôi biển xa bờ đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm “sóng gió” đạt ở trình độ cao. PGS.TS Dũng trao đổi thẳng thắn: “Chắc chắn không thể với thuyền nông hộ ra đối chọi với nước sâu, sóng lớn được. Nuôi biển xa bờ phải là doanh nghiệp, tập đoàn, liên hiệp các doanh nghiệp hợp tác với nhau. Cần lắm những chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước cho chương trình nuôi biển xa bờ, trong đó có đóng tàu, khu vực hậu cần trên bờ, cảng bốc dỡ...”.

Chọn giống cá mang tính “khẩu phần ăn” của thế giới

“Khánh Hòa có điều kiện giống như 2 tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, đều là địa phương có thế mạnh phát triển nuôi biển quy mô lớn. Muốn nuôi biển thành công, phải quy hoạch rất bài bản. Từ thực tiễn đời sống của người dân ven biển, cần làm tốt theo quy trình: Từ sản xuất giống, thức ăn, kiểm soát môi trường, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ” - ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nêu lên vấn đề thực tế.

Theo ông Ninh, quy hoạch phải bảo đảm được mấy yếu tố: Dựa trên nghiên cứu, khảo sát, đề xuất từ các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, cần đi khảo sát đánh giá ở thực tiễn, bởi vì “anh quy hoạch” thấy chỗ đó đẹp không đụng vào các nhóm kinh tế khác, nhưng người dân nuôi trồng không muốn vào nuôi, vì họ thấy được dòng chảy quá mạnh hoặc quá yếu, gió lớn, sóng biển nhiều...

“Chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao là kết quả đột phá của định hướng phát triển nuôi biển hở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bao gồm: Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại và đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Ninh cho biết.

Nuôi biển quy mô công nghiệp cần đặt ra các biện pháp mang tính căn bản: Thứ nhất, chọn đối tượng nuôi mang tính “khẩu phần ăn" của thế giới, nghĩa là nhiều nước cùng sử dụng sản phẩm đó được, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Chẳng hạn, Australis Việt Nam chọn cá chẽm đưa vào nuôi công nghiệp, trọng lượng của cá có thể đạt 3-5kg/con, dễ chế biến. Đặc tính của loại cá này là di chuyển nhiều tầng nước nên tối ưu hóa thể tích lồng nuôi, sản lượng đạt 250-300 tấn/lồng. Có phương án chọn giống cá bố mẹ để tránh bị cận huyết, dẫn đến cá nuôi chậm lớn. Khuyến khích nhập khẩu cá bố mẹ từ các quốc gia khác nhau về phối giống, tạo ra đàn giống chất lượng cao.

Thứ hai, đảm bảo môi trường nuôi, việc đầu tiên là tránh xa những cửa sông, khi mùa mưa lũ không bị nước ngọt đổ ra làm cho cá chết. Ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, kể cả máy đo dòng chảy, quan trắc môi trường trên diện rộng.

Thứ ba, về thị trường tiêu thụ, nuôi quy mô công nghiệp, cần có đội ngũ làm thị trường. Vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ trong nước, chế biến đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhiều người tiêu dùng.

Thứ tư, cần có chiến lược truyền thông ở cấp độ quốc gia, tạo nên thương hiệu nuôi biển của Việt Nam lan rộng ra nhiều khu vực.

VIFEP (BP)





Xem thêm >>

Tin tức
 VIỆN KINH TẾ VÀ QUY HOẠCH THỦY SẢN - 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN   (03/05/2024 12:00:00 SA)
 Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản   (11/04/2024 12:00:00 SA)
 Những thách thức của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024   (08/04/2024 12:00:00 SA)
 Ngành nuôi biển ngóng chờ quy hoạch không gian biển quốc gia   (05/04/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh   (04/04/2024 12:00:00 SA)
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản   (01/04/2024 12:00:00 SA)
 Gia tăng nguồn lợi tỷ đô từ nghề nuôi biển   (27/03/2024 12:00:00 SA)
 65 năm bứt phá vượt bậc của ngành thuỷ sản   (25/03/2024 12:00:00 SA)
 Gỡ 'thẻ vàng': Thủy sản Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị bền vững   (20/03/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tăng - Vì sao?   (14/03/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...