Năm 2025, ngành thuỷ sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng
(10/01/2025 12:00:00 SA)
Theo báo cáo của Cục Thủy sản,
tổng sản lượng thủy sản của cả nước năm 2024 đạt 9,609 triệu tấn, trong
đó: Sản lượng khai thác đạt 3,855 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt
hơn 5,753 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 10,07
tỷ USD, đạt 106% so với kế hoạch (9,5 tỷ USD); tăng 12,1% so với năm
2023 (8,98 tỷ USD).
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm
2024 đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,7 triệu m³ lồng nuôi biển. Tổng
sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 5,753 triệu tấn, trong đó: Nuôi biển:
Khoảng 9,7 triệu m³ lồng, tăng 2,1% (4,5 triệu m³ lồng nuôi cá biển; 5,2
triệu m³ lồng nuôi tôm hùm) và 58 nghìn ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản
lượng 832 nghìn tấn, tăng 5,0% so với năm 2023 (789 nghìn tấn), trong
đó: Cá biển 48 nghìn tấn; tôm hùm 4 nghìn tấn; nhuyễn thể 460 nghìn tấn;
đối tượng thủy sản khác 320 nghìn tấn. Nuôi nước lợ: Tổng diện tích
khoảng 920 nghìn ha; tổng sản lượng khoảng 1,724 triệu tấn, tăng 1,5%,
bao gồm: Tôm nước lợ: Diện tích nuôi 737 nghìn ha, Nuôi tôm sú 622 nghìn
ha, nuôi tôm chân trắng 115 nghìn ha. Sản lượng nuôi tôm nước lợ 1,264
triệu tấn, trong đó sản lượng tôm sú đạt 284 nghìn tấn và tôm thẻ chân
trắng đạt 980 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,856 tỷ USD, tăng
14% so với năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục
Thủy sản cho biết, năm 2024, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện cụ thể
hơn, mạnh mẽ hơn trong “Chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh
tế thủy sản, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp
đa giá trị”. Qua đó, ngành đã tập trung tổ chức lại sản xuất, phát
triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản xuất những sản phẩm
mang đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết
chuỗi sản phẩm thủy sản để nâng tầm sản phẩm.
“Nuôi trồng thủy sản hồ chứa đã có những
kết quả tích cực. Một số đối tượng thủy sản như cá rô phi trước đây khó
xuất khẩu thì nay chúng ta đã xuất sang được một số nước. Đây có thể là
điểm sáng, tuy nhiên dư địa của các đối tượng nuôi khác thì vẫn còn rất
nhiều trong khi nhu cầu xuất khẩu thì vẫn còn hạn chế. Do vậy, thời
gian tới, Cục Thủy sản mong muốn nhiều đối tượng nuôi giàu tiềm năng như
hàu bản địa, lươn, ếch sẽ được đẩy mạnh đầu tư. Các đơn vị sẽ cùng ngồi
lại rà soát ngay từ đầu để việc nuôi diễn ra bài bản, tránh tự phát”.
Cục trưởng Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Về định hướng phát triển trong
thời gian tới, Cục trưởng Trần Đình Luân cho rằng "Nuôi trồng
thủy sản vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng muốn bền
vững cần phải tổ chức bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng tự phát".
Để ngành thủy sản tiếp tục tăng
trưởng và phát triển bền vững trong những nhăm tới, Cục trưởng
Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, có hai vấn đề trọng tâm, trọng
điểm mà ngành thủy sản sẽ tập trung trong năm 2025, đó là kiểm soát chặt
chẽ hơn nữa chất lượng giống tôm nói riêng, giống thủy sản nói chung và
việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Về kế hoạch tăng trưởng ngành trong
năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, ông Phạm Quang Toản cho
biết, năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế
hoạch phát triển Ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời
chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026-2030, Cục Thủy sản tiếp tục
triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện
các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược
phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cục Thủy sản tiếp tục thực hiện chủ
trương Chiến lược phát triển thủy sản đề ra (là giảm khai thác và tăng
nuôi trồng thủy sản); đồng thời triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả
nước đối với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành thủy sản
thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ
NN&PTNT phê duyệt. Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững,
thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm
thủy sản.
Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng năm
2025 đặt ra tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,609 triệu tấn, tương
đương so với năm 2024. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,655 triệu
tấn, giảm 5,2% so với năm 2024; sản lượng nuôi trồng 5,954 triệu tấn,
tăng 3,5% so với năm 2024.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ
trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá rất cao kết quả của
ngành thủy sản đã đạt được trong năm 2024. Với sự nỗ lực của
toàn thể cán bộ, công chức viên chức và người lao động trong
toàn ngành cũng như sự cố gắng của người dân doanh nghiệp, đặc
biệt, Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho
ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Trước tình hình
này, các hội và hiệp hội ngành thủy sản đã nhanh chóng triển khai các
hoạt động hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và người nuôi thủy sản sớm ổn định
sản xuất. Đây cũng là một minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết vững mạnh
của ngành thủy sản Việt Nam trước những thách thức chung.
Thứ trưởng khẳng định, Ngành Thủy
sản ngày càng đóng vai trò rất quan trọng trong thành tích
chung của toàn ngành nông nghiệp trong năm qua. Tăng trưởng của
ngành thủy sản vẫn còn nhiều dư địa. Đối với những đối tượng đã có lợi
thế như tôm, cá tra, nhuyễn thể..., cần nâng cao năng suất, giải quyết
các vấn đề về kháng sinh, dịch bệnh, siết chặt chất lượng tôm giống,
thức ăn, dinh dưỡng… để đảm bảo bền vững. Đẩy mạnh phát triển các đối
tượng nuôi mới tiềm năng như rong biển, lươn, cá rô phi…
Liên quan đến công tác chống khai thác
hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cần
tiếp tục tăng cường công tác quản lý đội tàu, thiết bị giám sát hành
trình tàu cá (VMS), xử lý vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc; trước
trong và sau Tết phải tích cực kiểm tra tình hình tại các địa phương.
VIFEP (TCTS)
|