Trang chủ   >  

Hội nghị triển khai sản xuất tôm và nuôi biển


(27/04/2022 12:00:00 SA)

Ngày 25/3, tại huyện Tiên Yên, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai sản xuất tôm và nuôi biển. Đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, chủ trì hội nghị.


Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị.

Quảng Ninh có thế mạnh sản xuất tôm và nuôi biển lớn, với diện tích có thể nuôi lớn, bao gồm đường bờ biển dài trên 250km, trên 2.000 hòn đảo, 10.000ha eo biển, 40.000ha bãi triều. Môi trường nuôi phù hợp với nhiều động thực vật phù du, độ mặn, pH, oxy hòa tan, độ sâu phù hợp, nhiều vụng kín, tốc độ dòng chảy nhỏ, ít ảnh hưởng bởi gió bão cũng như xa nguồn ô nhiễm dầu, chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt…

Thị trường tiêu thụ tôm và sản phẩm nuôi biển của Quảng Ninh khá thuận lợi khi có các cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, các cảng biển, cửa ngõ ASEAN…

Năm 2021, toàn tỉnh có trên 7.000ha nuôi tôm, trong đó 4.000ha nuôi công nghiệp, sản lượng đạt trên 14.00 tấn, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng. Về nuôi biển bao gồm các đối tượng cá biển và nhuyễn thể, năm 2021 đạt diện tích nuôi 10.600ha, sản lượng đạt 45.000 tấn, trong đó 39.000 tấn nhuyễn thể, còn lại là cá biển. Năm 2022 Quảng Ninh phấn đấu sản xuất tôm và nuôi biển đạt sản lượng 77.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 25.000 tấn, sản lượng nuôi biển 52.000 tấn. Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu 110.000 tấn tôm và nuôi biển, diện tích nuôi 8.800ha, giảm gần 2.000ha so với diện tích nuôi hiện có.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng sản xuất tôm và nuôi biển của Quảng Ninh đã phát triển nhiều so với trước đây, tuy nhiên chưa tương xứng so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Sản xuất tôm và nuôi biển Quảng Ninh hoàn toàn có thể tăng cao hơn theo cấp số nhân nếu như đổi mới về tổ chức sản xuất và quản lý. Hiện nay, Quảng Ninh tương đối chủ động về nguồn giống tôm và cá biển, còn nguồn giống nhuyễn thể, nguồn vật tư sản xuất nhất là nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản, vật liệu nổi đang phụ thuộc thị trường. Năng suất nuôi của Quảng Ninh đạt không cao, đặc biệt là tính liên kết yếu, thiếu và yếu hạ tầng dùng chung các vùng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tồn tại tình trạng NTTS tự phát, cơ sở thu mua, chế biến tôm và sản phẩm nuôi biển mới phát triển ở bước đầu…

Bàn về giải pháp tăng trưởng sản xuất tôm và nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới, các đại biểu đều thống nhất nhận định cần phải tăng cường hàm lượng khoa học kỹ thuật trong mỗi mô hình nuôi, hiện đại hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng máy móc, thiết bị thay thế sức người trong NTTS.

Đại diện Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Viện Nghiên cứu NTTS 1, Vụ NTTS cho rằng riêng về lĩnh vực nuôi biển Quảng Ninh hiện mới đang phát triển ở bước đầu, đây cũng là thuận lợi để ngay từ đầu hoạch định hướng sản xuất lớn, thay từ nghề cá nhân dân với chủ thể là ngư dân sang nghề cá công nghiệp với chủ thể là doanh nghiệp, chuyển từ nuôi gần bờ ra xa bờ, tính đến chiến lược đa dạng hóa thị trường tiêu thụ thay vì trông đợi quá mức vào thị trường lợi thế gần nhà là Trung Quốc, tính tới việc tích hợp 2 ngành kinh tế NTTS với du lịch...

Trong hoạt động sản xuất tôm, Quảng Ninh cần gỡ nút thắt về công nghệ để nâng cao năng suất trên mỗi diện tích canh tác, chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng dùng chung cho các vùng nuôi tôm tập trung. Đại diện Công ty CP Tập đoàn nhựa super Trường Phát đưa ra giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng, cá biển trên biển, nuôi tôm thẻ và tôm hùm trên bờ, nuôi trên đồi bằng lồng HDPE, nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch trên cơ sở hạ tầng nhựa HDPE.

rong khi đó mục tiêu của tỉnh là thay thế toàn bộ phao xốp trong NTTS bằng phao nổi HDPE trong năm 2022.

Trên hết đơn vị chức năng tỉnh Quảng Ninh tăng cường tiến hành thẩm định, cấp các mã vùng NTTS, mã cho cơ sở chế biến an toàn, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất NTTS, làm nền tảng để sản phẩm thủy sản Quảng Ninh có thể tiếp cận các thị trường khó tính song mang lại giá trị cao, đặc biệt nông nghiệp Quảng Ninh, trong đó có lĩnh vực thủy sản phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành khẳng định mong muốn và quyết tâm của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung, lĩnh vực thủy sản nói riêng. Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị rất thiết thực để Quảng Ninh một lần nữa đánh giá sát thực trạng phát triển, nhận diện cả tiềm năng thế mạnh và thách thức, gợi mở hướng phát triển mới, là cơ sở để thủy sản Quảng Ninh đạt và vượt các mục tiêu đề ra.

Đồng chí đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về ngành Thủy sản, khẳng định thủy sản là ngành kinh tế đa mục tiêu. Các đơn vị khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thông số không gian biển, tích hợp vào quy hoạch chung, nghiêm khắc xử lý các vi phạm trong quy hoạch thủy sản, là nền tảng chấm dứt NTTS tự phát, tiến tới số hóa mặt nước.

Để đạt mục tiêu này, đồng chí Phạm Văn Thành khẳng định còn rất nhiều việc cần làm ngay, đó là xây dựng, công bố cảng cá, đưa vào vận hành khu dịch vụ NTTS tại Đầm Hà, xây dựng đề án khu dịch vụ hậu cần nghề cá, sớm đưa Trung tâm nhuyễn thể Vân Đồn vào hoạt động, hiện đại hóa cơ sở chế biến thủy sản. Tôm, cá, nhuyễn thể xác định hiện là đối tượng nuôi chính của thủy sản Quảng Ninh, trong những năm tới không tăng diện tích nhưng tăng sản lượng, tiêu thụ sản phẩm tiến tới qua sàn thương mại điện tử thay vì chỉ chú trọng tiêu thụ trực tiếp. Về lâu dài nghiên cứu các đối tượng nuôi thủy sản mới phù hợp, giá trị cao. Quảng Ninh tăng cường thu hút đầu tư vào thủy sản, ưu tiên các mô hình hợp tác công - tư, các mô hình sản xuất theo chuỗi, ưu tiên cho khâu chế biến, hỗ trợ cao nhất cho các cụm công nghiệp chứa các cơ sở chế biến thủy sản, đặc biệt quyết tâm chuyển đổi vật liệu nuôi trồng không bền vững sang vật liệu bền vững, từ đó phát triển lâu dài.

Trước đó, các đại biểu đã đến thăm, kiểm tra thực tế sản xuất tại Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh (huyện Đầm Hà) và Công ty CP chế biến thủy sản BNA (huyện Ba Chẽ).

VIFEP (QN)

Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...