Lập chiến lược nuôi, trồng thủy sản


(11/10/2019 12:00:00 SA)

Kỳ vọng xuất khẩu 4-6 tỉ USD

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đến năm 2018, cả nước có gần 260.000 ha nuôi trồng trên biển với 4,3 triệu m3 lồng, sản lượng đạt hơn 430.000 tấn, chủ yếu là nhuyễn thể, cá biển, giáp xác… Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận có diện tích nuôi hải sản kinh tế cao là tôm hùm dẫn đầu cả nước, chiếm hơn một nửa thể tích với 2,7 triệu m3 lồng, sản lượng 1.500 tấn. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng rong biển gồm 4 loại cũng tập trung chủ yếu ở Nam Trung Bộ. Năm 2018, diện tích trồng rong đạt 10.150 ha gồm: 8.200 ha rong câu, 1.550 ha rong sụn, 300 ha rong guột và 100 ha rong mứt. Sản lượng rong biển năm 2018 đạt 101.000 tấn.

Ông Khôi đánh giá hiện nay giống tôm hùm ở nước ta phụ thuộc vào tự nhiên, hằng năm nhập khoảng 5 triệu con giống. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ và các văn bản quản lý hộ nuôi chưa thực sự được ưu đãi. Việc nuôi trên biển còn tự phát, thiếu quy hoạch, trình độ kỹ thuật chưa cao nên kém hiệu quả, để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đã xây dựng chiến lược nuôi biển, dự kiến năm 2030 có 10 triệu m3 lồng, 1,8 triệu tấn sản phẩm, xuất khẩu đạt 4-6 tỉ USD. Để làm được điều này, Việt Nam sẽ phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ, quy hoạch và quản lý hiện đại. Nuôi cả trên bờ, ven bờ, trên vùng biển xa bờ nhằm phát huy sự đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế, kỹ thuật từ các ngành: dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, du lịch… với nuôi trồng và chế biển hải sản. Hệ thống nuôi phải có công nghệ phù hợp, không gây hại cho hệ sinh thái, môi trường và bảo đảm phát triển bền vững.

Lập chiến lược nuôi, trồng thủy sản - Ảnh 1.

Nuôi trồng thủy sản ở khu vực Nam Trung Bộ còn thiếu bền vững

Bài học từ Na Uy

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết với hơn 30 năm hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, đây là cơ hội tốt để Việt Nam và Na Uy chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển ngành nuôi biển công nghiệp bền vững. Để phát triển bền vững, trong hội nghị này, Việt Nam sẽ lấy trọng tâm là các công nghệ và giải pháp xanh để phát triển ngành nuôi biển công nghiệp, đề cập tới mọi mắt xích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành từ phối gien, sản xuất giống, quản lý sức khỏe cá nuôi, thức ăn cho cá, kỹ thuật nuôi tới xử lý cá và chế biến phụ phẩm thủy sản…

Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc Đông Nam Á - Hội đồng thủy sản Na Uy, cho rằng kết quả từ nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia hợp tác với Na Uy thì có đến 7/10 khách hàng xác nhận nguồn gốc là vấn đề quan trọng khi lựa chọn hải sản; 8/10 khách hàng muốn biết thức ăn được sản xuất ở đâu và như thế nào...

Ông Bjørn Karlsen, Giám đốc bán hàng Export ASA (Tập đoàn Akvagroup, Na Uy), nhìn nhận nuôi cá là việc kinh doanh thâm dụng vốn và đầu tư dài hạn. Trong đó có những quy tắc để phát triển như: Lớn hơn thì rẻ hơn, khó vận hành (thiết bị lớn, thuyền) và cần có đội ngũ nhân viên giỏi. Trong đó, các yếu tố rất quan trọng là chất lượng nước và lựa chọn địa điểm - giúp đem lại thành công. Do đó, người nuôi bắt buộc phải có chuyên gia khảo sát địa điểm xác định vị trí tốt đủ sâu để thả lồng, có hồ sơ nhiệt độ nước, dòng chảy, sóng, gió…

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đánh giá Na Uy là quốc gia với nhiều kinh nghiệm sẽ giúp kiểm soát việc ô nhiễm, tránh tình trạng xung đột với các ngành kinh tế khác. Công nghệ nuôi trên bờ tuần hoàn nước sẽ không xả thải ra môi trường. "Công nghệ đó, chúng tôi áp dụng để xử lý nuôi tôm hùm, tránh việc nuôi trong các đầm, vịnh hiện nay, tránh xung đột với ngành nuôi thủy sản khác. Công nghệ nuôi sâu, nuôi lồng ở biển hở mà các bạn đã giới thiệu là điều kiện để chúng tôi đưa các loại cá ra xa bờ hơn; sẽ bảo đảm an toàn, sạch hơn cho môi trường nước, để tránh xung đột về du lịch" - ông Thế nói.

Xây dựng tiêu chuẩn nuôi

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết nhiệm vụ của cơ quan chức năng, người dân là phải giữ được môi trường cho biển khỏe, sạch, khắc phục được rác thải nhựa thì nuôi biển mới có hiệu quả. Còn đi từ việc quy hoạch đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn đến từng đối tượng cho từng vùng thì Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp các địa phương xây dựng. Để khi triển khai nuôi theo đúng quy hoạch, đúng đối tượng, đúng các vùng được khảo sát, đánh giá, sẽ bảo đảm hiệu quả đầu tư.

VIFEP (NLĐ)

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...