Đồng quản lý trong nghành thủy sản - (Kỳ I) Đặc điểm tự nhiên và sự hình thành các cộng đồng nghề cá


(12/09/2013 12:00:00 SA)

 Biển nước ta có diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên 1triệu km2 bao gồm cả vùng biển quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với nguồn lợi, tài nguyên phong phú. Dọc theo bờ biển có 112 cửa sông, thuận lợi cho các tàu đánh cá làm căn cứ neo đậu và ra khơi. Bờ biển trải dài, địa hình khúc khuỷu.Ven bờ biển có 4 loại hình thủy vực: vịnh nhỏ ven biển (bays); vụng biển, còn gọi là đầm phá (lagoons); vùng cửa sông châu thổ (delta) và vùng cửa sông hình phễu (estuaries). Dọc bờ biển, giữa các luồng lạch, cửa sông thường là các bãi ngang (sand bank). Độ sâu của từng vùng biển khác nhau, có liên quan mật thiết đến sự phân bố ngư trường, các đàn cá, đến sức cản của lưới, chiều dài cáp kéo, chiều dài giây ganh, chiều cao của lưới, trang bị phao, chì…Độ sâu của Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển Đông, Tây Nam Bộ tương đối giống nhau, có đáy biển tương đối bằng phẳng nên thuận lợi cho nghề lưới kéo, thích hợp với nghề lưới vây, lưới rê…Vùng biển miền Trung (φ 17˚00-11˚20’N) có đường đẳng sâu 30-100m nước song song với bờ và chỉ cách bờ 3-10 hải lý. Đường đẳng sâu 200m và 500m cũng chỉ cách bờ từ 20-40 hải lý. Độ sâu lớn nhất trong khu vực này đạt trên 4.000m. Vùng biển miền Trung thích hợp với các nghề khai thác cá nổi. Trên các vùng biển có nhiều vùng rạn, nhất là Vịnh Bắc Bộ và biển miền Trung, vùng Hoàng Sa, Trường Sa, nơi có nhiều loài hải sản có giá trị tập trung sinh sống như tôm hùm, cá mập, mực nang, cá mú, cá hồng, cá song, cá sạo… Có rạn đá và rạn san hô. Các nghề đánh bắt hải sản thích hợp là rê cước, câu, bóng, bẫy…
Sản xuất thủy sản luôn gắn liền với nước, với các điều kiện tự nhiên, luôn chịu sự tác động, chi phối; bị ảnh hưởng, ràng buộc, giới hạn bởi các yếu tố môi trường, nguồn lợi, khí hậu, thời tiết, nhiệt độ, địa hình, dòng chảy…Khai thác thủy sản là khai thác tài nguyên sinh vật sống dưới nước, có tập tính di chuyển theo không gian và thời gian, có qui luật sinh tồn, tái tạo, phát triển, diệt vong. Nuôi trồng thủy sản là khai thác tiềm năng đất, mặt nước để lưu giữ, nuôi dưỡng, phát triển các giống loài thủy sinh theo mùa vụ, tạo nguồn cung cấp thực phẩm chủ động cho tiêu dùng, nguồn nguyên liệu ổn định cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…Các nguồn tài nguyên đó sẽ là vô tận, bởi khả năng tái tạo nếu khai thác hợp lý, đúng qui luật hoặc sẽ bị cạn kiệt, thậm chí bị hủy diệt nếu khai thác tự phát, xâm hại môi trường, quá ngưỡng giới hạn cho phép của tự nhiên.
Đặc điểm địa hình, phân bố độ sâu đáy biển và các loại hình thủy vực eo vịnh, đầm phá, vùng cửa sông hình phễu, vùng đất ngập nước châu thổ, ven các dòng sông, các ao, hồ lớn, các vùng ruộng trũng... tác động, ảnh hưởng lớn đến sự hình thành các loại nghề khai thác, các loại hình NTTS. Cơ cấu các nghề khai thác trên eo vịnh khác cơ cấu các nghề trong đầm phá, khác các nghề vùng bãi ngang, vùng cửa sông hay vùng châu thổ. Các mẫu thiết kế tàu cá dân gian cũng có những đặc điểm khác nhau. Các mẫu tàu khai thác ở Vịnh Bắc Bộ, khác vùng Đông, Tây Nam Bộ, khác các mẫu tàu vùng biển miền Trung. Các nghề, các mô hình tổ chức nuôi trồng, đối tượng NTTS giữa các vùng cũng có những nét khác biệt. Miền Bắc nuôi các thủy đặc sản truyền thống, vùng núi cao nuôi cá nước lạnh, miền Trung sản xuất các loài giống hải sản và nuôi tôm công nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm sinh thái, nuôi cá tra thâm canh cao sản…Từ những đặc điểm riêng có của từng vùng, được tạo nên do điều kiện tự nhiên, hình thành nên các ngành nghề, kỹ năng sản xuất, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán, truyền thống, thói quen của các tổ chức cộng đồng với các bản sắc riêng, đặc trưng của văn hóa các làng cá, các vạn chài, vạn đò, các tổ hợp sản xuất nuôi trồng, chế biến, hậu cần dịch vụ thủy sản. Các cộng đồng làng cá, vạn chài, vạn đò hình thành trên cơ sở các yếu tố tự nhiên, từ thực tiễn sản xuất nghề cá, cùng sống trong một phạm vi hành chính thôn/bản/làng; cùng làm chủ một ngư trường, một vùng đất, mặt nước; cùng sản xuất một loại ngành/nghề trong khai thác/nuôi trồng/chế biến/hậu cần dịch vụ; cùng chia xẻ lợi ích, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, do đó sự gắn kết tổ chức của cộng đồng rất bền chặt.
Sự hình thành cộng đồng nghề cá-một mô hình tổ chức xã hội-xuất phát từ tự nhiên (có tính chất tự nhiên), trên cơ sở kinh tế (các ngành nghề sản xuất) là đặc điểm đặc thù, là luận cứ minh chứng tính khoa học, sự tất yếu của đồng quản lý (quản lý dựa vào cộng đồng) trong ngành thủy sản.
Báo cáo “50 năm Thủy sản Việt nam” đã tổng kết:
“Đặc điểm lớn nhất của nghề cá Việt Nam là sự gắn kết chặt chẽ với điều kiện, môi trường tự nhiên, chịu sự tác động, chi phối, ràng buộc và bị khống chế giới hạn bởi ngưỡng bền vững của điều kiện tự nhiên. Khai thác nguồn lợi sinh vật tự nhiên sống dưới nước là hoạt động khai thác tài nguyên - tài sản chung của cộng đồng, của đất nước. Hơn thế nữa, đối với các loài cá di cư trên biển, thì nguồn lợi này còn là tài sản chung của các quốc gia có cùng đại dương. Trong nuôi trồng thủy sản, hoạt động sản xuất luôn tác động, ảnh hưởng tới môi trường vực nước, nguồn nước chung –tài sản chung của cộng đồng trong từng khu vực và của cả quốc gia. Đây là đặc điểm cực kỳ quan trọng của kinh tế thủy sản. Cần thích ứng với đặc điểm này trong quản lý sở hữu chung. Cần có những chính sách, những chế tài phù hợp trong quản lý môi trường nguồn lợi, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững. Tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, nâng cao trách nhiệm quản lý của cộng đồng, cùng các biện pháp, các bước đi trong hợp tác quốc tế là những giải pháp tiến tới phương pháp đồng quản lý văn minh, hiện đại”[trang 9-NXB Nông nghiệp năm 2013].
Từ xa xưa, trước thế kỷ XVI, các triều đình phong kiến đã giao cho các vạn chài quản lý những thủy vực, dựa trên các đơn vị nghề và xác nhận quyền sử dụng làm cơ sở thu thuế tài nguyên. Thực hiện sắc lệnh của nhà vua, tại các cộng đồng, các vạn chài đã cùng nhau lập nên các Hương ước để quản lý sản xuất, để bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nguồn sống của cộng đồng. “Đồng quản lý, quản lý dựa vào cộng đồng hay quản lý trên cơ sở cộng đồng thực chất không có gì xa lạ với ông cha chúng ta. Có xa lạ chăng do chúng ta đã từng xa lánh các phương cách quản lý đó”. Như vậy, từ thực tiễn cuộc sống, từ nhu cầu sinh tồn, phương thức đồng quản lý đã ra đời, tồn tại trong xã hội nghề cá nước ta cách đây khoảng trên 500 năm. Đấy là quy luật tự nhiên, là xu hướng tất yếu trong quản lý nghề cá.

TS. Ngô Anh Tuấn

(Còn tiếp)

Xem thêm >>

Tin tức
 Chuyển đổi xanh: Hướng đi bền vững của ngành thủy sản   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản mang về hơn 8,3 tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ đô/tháng   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp để giữ vững mục tiêu tăng trưởng   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu cá tra thu về gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Đón sóng từ thị trường, xuất khẩu thủy sản cần vượt rào cản để bứt phá   (27/09/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản trước cơ hội và thách thức lớn   (19/09/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...