Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh


(04/04/2024 12:00:00 SA)

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.


Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT 
phát biểu tại Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới; tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ.

Trong khuôn khổ "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" được tổ chức ngày 1/4, các đại biểu đã nhất trí cao rằng, Quảng Ninh có hơn 6.100 km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, có đường bờ biển dài 250 km, có hai vịnh lớn là Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước; có trên 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh kín. Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo ra cơ hội lớn cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đặc biệt phục vụ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế thực phẩm giá trị cao.

Đáng chú ý, về nuôi biển ở Quảng Ninh, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm (tôm thẻ chân trắng và tôm sú) đạt 7.500 ha, chiếm 10% diện tích nuôi tôm cả nước, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 4.700 ha với sản lượng đạt 24.876 tấn, chiếm 14,2% tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh. Nuôi nhuyễn thể, năm 2023, tổng diện tích vùng cửa sông bãi triều ven biển và mặt nước biển nuôi nhuyễn thể đạt 9.500 ha tăng 6.222 ha so với năm 2013; sản lượng đạt 42.465,5 tấn, tăng 27.143,5 tấn so với năm 2013, năng suất bình quân đạt trên 4,47 tấn/ha; đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, nghêu, hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương... với hình thức nuôi chủ yếu là giàn bè, lồng treo hoặc nuôi trên bãi triều, tập trung tại các địa phương: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên và Móng Cái.

Về nuôi cá biển, năm 2023, tổng diện tích nuôi cá biển là 2.208 ha (tăng 667 ha so với năm 2013) và 15.000 ô lồng (tăng gần 14.500 lồng so với năm 2013) tập trung ở các địa phương như: Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả; đối tượng nuôi chủ yếu là cá song, vược, giò... với sản lượng nuôi cá biển đạt 12.980,7 tấn.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Quảng Ninh là tỉnh có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; là địa phương duy nhất trong cả nước có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc. Trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, Quảng Ninh là điểm nút quan trọng trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung”, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, khu vực hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh là một trong ba đầu tàu phát triển kinh tế của Vùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là về hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, đứng đầu ở phía Bắc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều cảnh quan có giá trị ngoại hạng toàn cầu; có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú đa dạng; có nền tảng văn hoá lâu đời với xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng... Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế - trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN - trung tâm kinh tế biển.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, với việc không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững, Quảng Ninh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, đưa tỉnh phát triển, vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Hiện Quảng Ninh đang thực hiện lộ trình đến năm 2030 trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh dịch vụ, công nghiệp, kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Việt Nam. Trong định hướng phát triển, Quảng Ninh tiếp tục kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường và an ninh, chuyển đổi xanh.

Đặc biệt với tiềm năng, lợi thế về biển, Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản miền Bắc. Tỉnh đã quy hoạch 45.246ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc. Trong đó, đổi mới cơ cấu giống, sản phẩm nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; phát triển các vùng nuôi biển tập trung, ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và tổ chức sản xuất hiện đại. Trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp thủy sản và các hình thức hợp tác, chuyển từ mô hình sản xuất hàng hóa dựa trên kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo sản lượng sang mô hình liên kết đa chủ thể, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm. Kết hợp nuôi trồng hải sản hướng ra biển với khai thác thủy, hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường.


Trong khi đó, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển, nhất là khi thực trạng ngành thủy sản tự phát, thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên thiên nhiên. Nuôi biển phải có sự bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển.

Thực hiện mục tiêu này, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển cần trao cơ hội cho cộng đồng này đồng thời không tước mất cơ hội của cộng đồng khác. Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, chuyên gia quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của người dân nuôi biển và người dân nuôi biển có sinh kế gắn với nuôi biển.

Lý giải lý do chọn hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, thời gian qua, bằng sự quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự hưởng ứng nhiệt thành, đồng thuận của người dân, Quảng Ninh đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong phát triển ngành thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển. Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, ở Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 HTX được thành lập trong vòng 2 năm; có những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Thời gian gần đây, cá heo liên tục xuất hiện ở vùng biển Quảng Ninh; biển Quảng Ninh ngày càng sạch hơn, đẹp hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu sau hội nghị, Bộ NN&PTNT tiếp tục ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc làm cho tiến độ triển khai nuôi biển đang chậm, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân; đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác quốc tế về kinh tế biển, khoa học công nghệ nuôi biển./.

VIFEP (ĐCS)

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...