Phê duyệt đề án phát triển thủy sản huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030
(12/09/2013 12:00:00 SA)
Với
quan điểm phát triển ngành thủy sản hài hòa với các ngành kinh tế khác
trên địa bàn huyện; Vân Đồn được quy hoạch thành trung tâm du lịch sinh
thái biển, đảo chất lượng cao; trung tâm dịch vụ vui chơi giải trí cao
cấp; trung tâm thương mại tài chính quốc tế; lợi thế về vị trí địa lý là
cửa lớn mở ra biển của khu vực phía Bắc, nằm trong 02 hành lang kinh tế
và vành đai kinh tế biển hướng tới phát triển sản xuất các sản phẩm
thủy sản chất lượng cao, phục vụ du lịch tại chỗ, các thị trường lớn
trong nước và mở rộng các thị trường xuất khẩu.
Bài toán đặt ra cho Vân Đồn là phải phát triển bền vững ngành thủy sản
theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất các sản phẩm thủy sản chất lượng
cao. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai
thác, tăng tỷ trọng nuôi trồng và chế biến thủy sản. Chú trọng phát
triển nuôi, trồng hải sản trên biển với các đối tượng nuôi chủ lực là
nhuyễn thể, cá biển, rong biển; hình thành các vùng nuôi thủy sản tập
trung; áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, đảm bảo phát triển bền vững.
Phát triển đội tàu khai thác xa bờ, sắp xếp chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền
và lao động khai thác ven bờ nhằm giảm áp lực lên nguồn lợi ven bờ. Chế
biến thủy sản gắn với nguồn nguyên liệu sẵn có, hướng tới sản phẩm giá
trị gia tăng.
Để đạt được mục tiêu đó, trong đề án phát triển thủy sản của huyện đã đề cập tới từng giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 2013-2015
Tổng giá trị sản xuất thủy sản 770 tỷ đồng bình quân tăng trưởng 7 -
9%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 21.000 tấn, bình quân tăng
6,26%/năm (trong đó, sản lượng khai thác thủy sản chiếm khoảng 60%, sản
lượng nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 40%). Tổng diện tích nuôi trồng
thủy sản khoảng 4.000 ha, bình quân tăng trưởng 11,8%/năm. Tổng số tàu
thuyền đến năm 2015 còn khoảng 1.500 chiếc, bình quân giảm 2,56%/năm
(chủ yếu tự giải bản tàu nhỏ ven bờ khai thác gây xâm phạm nguồn lợi).
Giải quyết việc làm cho khoảng trên 7.700 lao động thủy sản.
Giai đoạn 2016-2020
Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 1.000 tỷ đồng, bình quân tăng
trưởng từ 5-6%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đạt 23.000 tấn, bình quân
tăng trưởng 1,15%/năm (trong đó, sản lượng khai thác thủy sản chiếm 60%,
sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 40%). Tổng diện tích nuôi trồng
thủy sản đến năm 2020 đạt 4.200 ha, bình quân tăng trưởng trên 0,96
%/năm. Giữ ổn định số tàu thuyền khoảng 1.300 chiếc. Giải quyết việc làm
cho khoảng trên 8.000 lao động nghề cá.
Theo đó, định hướng đến năm 2030: Tổng giá trị sản xuất thủy sản đạt
1.800 tỷ đồng, bình quân tăng trưởng 7-9 %/năm. Tổng sản lượng thủy sản
giữ ổn định khoảng 23.000 tấn (trong đó, sản lượng khai thác thủy sản
chiếm 60%, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 40%). Giữ ổn định diện
tích nuôi trồng thủy sản khoảng 4.200 ha. Giữ ổn định số tàu thuyền
khoảng 1.300 chiếc. Giữ ổn định lao động thủy sản khoảng 8.000 người.
Định hướng phát triển thủy sản
Khai thác thủy sản và bảo vệ nguồn lợi: Phát triển khai thác
hải sản trên cơ sở ưu tiên phát triển tàu công suất lớn, hình thành các
tổ đội khai thác trên biển, tổ đội hợp tác hướng tới khai thác xa bờ,
đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Hợp lý hóa khai thác hải
sản trong vịnh Bái Tử Long, Hạ Long gắn với đồng quản lý và phát triển
du lịch biển, đảo. Giảm cường độ khai thác ven bờ, trong Vịnh từng bước
chuyển tàu thuyền khai thác ven bờ, trong Vịnh sang dịch vụ du lịch: câu
cá giải trí, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Hạn chế và tiến tới
nghiêm cấm các loại nghề khai thác tận diệt, hủy diệt nguồn lợi thủy hải
sản. Khuyến khích phát triển các phương thức khai thác thân thiện với
môi trường và nguồn lợi. Quy định các vùng cấm khai thác, khai thác có
thời hạn để bảo vệ các loài thủy sản; thiết kế các khu vực kết hợp giữa
khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản ở những vùng sinh thái nhạy cảm,
vùng rạn san hô, khu vực có nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. -
Đẩy mạnh công tác phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Sản lượng khai thác: đến năm 2015 sản lượng khai thác thủy sản đạt
13.000 tấn; trong đó sản lượng khai thác xa bờ 10.000 tấn, sản lượng
khai thác ven bờ khoảng 3.000 tấn.Đến năm 2020 sản lượng khai thác thủy
sản đạt 14.000 tấn; trong đó sản lượng khai thác xa bờ 11.700 tấn, sản
lượng khai thác ven bờ khoảng 2.300 tấn. Số lượng tàu thuyền khai thác:
đến năm 2015, tổng số tàu thuyền khai thác giảm còn 1.500 chiếc; đến năm
2020 giữ ổn định 1.300 tàu.
Nuôi trồng thủy sản: Phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là
nuôi, trồng hải sản trên biển, trong vịnh hài hòa với phát triển du
lịch. Hướng tới phát triển sản xuất các mặt hàng thủy đặc sản tươi sống
(nhuyễn thể, cá biển, rong biển…), có khả năng tạo ra sản phẩm hàng hóa
lớn, có giá trị kinh tế cao phục vụ du lịch và xuất khẩu; Hình thành
vùng sản xuất thủy sản tập trung tạo nguyên liệu cho định hướng sản xuất
các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, thực phẩm chức năng, dược phẩm,
mỹ phẩm.- Phát triển các hình thức, các đối tượng nuôi trồng thủy sản
thân thiện với môi trường và tài nguyên thiên nhiên; Diện tích nuôi
trồng thủy sản đến năm 2015 khoảng 4.000 ha; đến năm 2020 khoảng 4.200
ha; Sản lượng nuôi trồng thủy sản: Đến năm 2015 ước tính sản lượng nuôi
trồng thủy sản đạt 8.000 tấn; đến năm 2020 ước đạt 9.000 tấn. Chú trọng
phát triển nuôi nhuyễn thể, với các đối tượng nuôi chủ lực tu hài,
hầu, trai ngọc, ốc… Hình thành các vùng nuỗi nhuyễn thể tập trung, nuôi
sinh thái tại các khu du lịch như: Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Bản
Sen, Hạ Long,… Nuôi cá lồng bè với các loại cá chủ yếu là song, vược,
tráp… khuyến khích hình thức nuôi kết hợp với nhuyễn thể. Tập trung nuôi
ở các xã Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Hạ Long,.. Sản xuất giống và
thử nghiệm trồng một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao (ốc đẻ đen,
ngán,… ; di nhập nuôi thủ nghiệm rong mơ, rong nho,…), nuôi sá sùng để
phục vụ thị trường tiêu thụ tại chỗ (du lịch).
Chế biến và xúc tiến thương mại thủy sản: Phát triển chế biến
thủy sản phải đi đôi với đối tượng thủy sản chủ lực trong khai thác,
nuôi trồng của Vân Đồn. Phát triển sản xuất, chế biến các mặt hàng hải
đặc sản, các sản phẩm từ biển Vân Đồn, sản phẩm lưu niệm, sản phẩm mỹ
nghệ, các sản phẩm trang sức cao cấp từ trai ngọc phục vụ du lịch. Chú
trọng đầu tư phát triển sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng nội địa và
xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: sản phẩm nước mắm, sá sùng, sứa,
các loại hải sản khô: tôm, cá. Khuyến khích phát triển sản xuất các sản
phẩm dinh dưỡng chức năng, các dược liệu và mỹ phẩm từ nguồn nguyên liệu
hải sản hầu, các loại rong biển... Cải tạo các cơ sở chế biến thủy sản
hiện có và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thích hợp cho các cơ sở
chế biến thủy sản nhỏ lẻ, hộ gia đình để sản xuất ra sản phẩm đạt chất
lượng và đảm bảo vệ sinh an tòn thực phẩm. Quy hoạch làng nghề chế biến
thủy sản truyền thống (cá khô, tôm khô, sá sùng khô,…) phục vụ khách du
lịch tại xã đảo Quan Lạn và Minh Châu. Xây dựng hệ thống nhà hàng chế
biến thủy sản phục vụ cụm du lịch làng chài Ngọc Vừng, Thắng Lợi. Nâng
cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá các đặc
hải sản của Vân Đồn như tu hài, sá sùng, trai ngọc, hầu, ốc, ngán, sứa…
Đầu tư trang thiết bị sản xuất sứa, nâng cao chất lượng, sản xuất sản
phẩm giá trị gia tăng, hướng tới thị trường tiêu thụ nội địa; định hướng
xây dựng thương hiệu sứa Vân Đồn. Đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở
chế biến mặt hàng thủy sản mỹ nghệ, sản xuất sản phẩm để làm quà lưu
niệm: chế biến ngọc trai – sản phẩm trang sức cao cấp, chế biến các sản
phẩm lưu niệm từ các sản phẩm hải sản, vỏ sò, ngao, ốc, tu hài… Xây dựng
và quảng bá thương hiệu thủy sản VÂN ĐỒN đối với các sản phẩm hải sản
truyền thống, sản phẩm chủ lực của Vân Đồn như sá sùng, tu hài, hầu,
trai ngọc, nước mắm… Đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung vào các thị trường
Trung Quốc và Nhật Bản.
Giải pháp
Xây dựng chính sách thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư vào khai thác hải sản xa bờ, nghiên cứu sản xuất giống thủy
sản, chế biến hải sản đặc biệt sản phẩm chế biến giá trị gia tăng,
nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...
Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển thủy sản phù hợp với điều
kiện phát triển thủy sản trong thời kỳ mới: hình thành vùng nuôi nhuyễn
thể tập trung, tạo khối lượng hàng hóa lớn; xây dựng thương hiệu cho các
sản phẩm thủy sản của Vân Đồn như tu hài, sá sùng, nước mắm Cái
Rồng...; chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi từ khai thác sang
nuôi trồng, chế biến, dịch vụ du lịch.
Xây dựng các tổ hợp tác và HTX nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá, hình thành
các đội tàu, tổ hợp tác các nhóm để hỗ trợ nhau trong tổ chức sản xuất
quản lý và vay vốn; phát triển các hình thức kinh tế hộ và liên hộ để
trang trại trong sản xuất nghề cá.
Thành lập hiệp hội thủy sản, các chi hội nuôi trồng thủy sản, HTX nuôi
trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản của huyện. Chỉ đạo chính
quyền địa phương tăng cường công tác vận động, thành lập các tổ chức
như: Chi hội nghề cá, chi hội nuôi trồng thủy sản, hiệp hội chế biến
thủy sản,... để phát huy động sức dân giúp đỡ nhau trong sản xuất, ứng
dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa trong nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa
học công nghệ trong khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; Đặc
biệt đầu tư vào nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ
chế biến sâu, chế biến công nghệ cao như thực phẩm chức năng.
TS. Nguyễn Thị Phương Dung
|