Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả".
Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, đây là tỉnh là tỉnh đứng thứ 5 về phát triển nuôi tôm nước lợ của cả nước với hơn 36.000ha. Nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Bến Tre phát triển mạnh từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và gần đây nhất là nuôi tôm công nghệ cao.
Mặc dù qua nhiều thời gian thăng trầm, nhưng nghề nuôi tôm tỉnh nhà vẫn giữ vững tốc độ phát triển khá bền vững. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao mang lại hiệu quả rất cao. Bên cạnh đó các mô hình nuôi tôm quảng canh, sinh thái, tôm lúa hữu cơ; đang được áp dụng làm nâng cao chất lượng, giá trị con tôm nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ước tính đến cuối năm 2024, tổng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh Bến Tre đạt 329.000 tấn. Năng suất mô hình nuôi ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong đó, tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt 10-12 tấn/ha/vụ; tôm sú thâm canh 6-8 tấn/ha/vụ,tôm công nghệ cao 60-80tấn/ha, nuôi tôm quảng canh, tôm lúa từ 150-200kg/ha/năm.
Không chỉ riêng tỉnh Bến Tre đang có tốc độ phát triển mạnh, theo báo cáo của Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết tính đến tháng 11/2024, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 730.000 ha, với tổng sản lượng khoảng 1,103 triệu tấn. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 234.200 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 795.800 tấn, tôm khác đạt 73.100 tấn.
Nhu cầu thu mua và giá tôm nguyên liệu tại ao có tín hiệu tăng trong nửa đầu tháng 9 vừa qua, giá tăng bình quân khoảng 5.000 đồng/kg (size 20-30 con/kg), giá tôm thẻ size lớn (20-30 con/kg) tăng mạnh.
Năm 2024 cũng vẫn là một năm khó khăn đối với ngành tôm Việt Nam do điều kiện thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ với nhiều rào cản khắt khe, giá bán không ổn định.
Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: "Trong thời gian qua, do những yếu tố bất thường của thời tiết, chủ yếu là thời tiết nắng nóng kéo dài, diễn biến thời tiết bất thường làm biến động các yếu tố môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi thủy sản trong đó có con tôm vốn là đối tượng nuôi chủ lực của vùng ĐBSCL" - ông Trường nói về vấn đề bất lợi của thời tiết.
Ông Trường nói thêm, trong 10 tháng năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.269 ha (chủ yếu là tôm nước lợ). Riêng trong tháng 10, tổng diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh là 430 ha tại 8 tỉnh, thành phố, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 loại bệnh chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng.
Trong năm 2025, ngành tôm sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn. Riêng tôm sú được nuôi và phát triển mạnh trở lại tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ nên sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn trong thời gian tới.
Ngoài ra, một số nước tiêu thụ tôm có chiến lược ưu tiên phát triển thủy sản nội địa nên sẽ tăng rào cản (yêu cầu chất lượng, hình thức sản xuất và truy xuất nguồn gốc) đối với tôm nhập khẩu từ các nước.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: "Thời gian qua, ngành tôm ở Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, gần đây bà con nuôi tôm gặp phải những cái khó khăn, thách thức nhất định. Trong đó, có việc tổ chức sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa bài bản dẫn đến môi trường nuôi không tốt, chi phí đầu vào còn lớn".
Bên cạnh những khó khăn nêu trên, ngành tôm Việt Nam cũng có nhiều yếu tố thuận lợi khi từ nay đến đầu năm 2025, nhu cầu về tôm trên thế giới tăng. Nhất là việc Mỹ xem xét áp thuế tôm Việt Nam thấp nhất, còn Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tôm từ Ecuador.
Để tận dụng cơ hội trên cũng như vượt qua các khó khăn, thách thức đã gặp phải, các đại biểu cho biết, đòi hỏi sự chung tay hành động của ngành, địa phương, nhà nghiên cứu, người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với các giải pháp căn cơ, bài bản cho cả chuỗi sản xuất tôm, nhất là việc quy hoạch vùng nuôi.
Song song đó là áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến sản xuất giống, nuôi thương phẩm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng an toàn sinh học, giảm chất thải rắn, bảo vệ môi trường, kiểm soát lây lan của dịch bệnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần phải "chuyển đổi xanh" trên toàn bộ các khâu trong chuỗi theo lộ trình và theo các cấp độ để phát triển ngành tôm ở ĐBSCL một cách bền vững.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác giữa hệ thống khuyến nông các địa phương với các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đối với nghề nuôi tôm.
VIFEP (CP)