Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ tôm
Trong chuyến công tác tại Phú Yên, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã khảo sát tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu.
Đây là HTX được thành lập vào đầu năm 2023 với 7 thành viên, đến nay đã thu hút thêm 18 xã viên, chủ yếu là người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu cho biết, từ đầu năm đến nay, HTX đã thu hoạch tôm hùm được khoảng 120 tấn, trong đó 30 tấn của các xã viên. Hiện nay Trung Quốc là thị trường chính xuất khẩu tôm hùm của HTX.
Theo ông Đoàn Văn Quang, do mới thành lập nên việc quản trị, điều hành hoạt động của HTX còn nhiều lúng túng. Việc nuôi tôm hùm của các xã viên không ổn định vì chưa giao mặt nước để thực hiện nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè. Hơn nữa, thời tiết hiện nay thay đổi thất thường khiến việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, thả giống bị hao hụt nhiều. Ngoài ra, nguồn giống tôm hùm thiếu hụt nên từ đầu năm nay, HTX chưa thả nuôi trở lại.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết thêm, để giúp đầu ra tôm hùm tại HTX ổn định, hiện Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) xây dựng dự án “Xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất tiêu thụ tôm hùm”. Đến nay, dự án đang vận động doanh nghiệp cung cấp giống và doanh nghiệp xuất khẩu đã có mã code để hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh trong thời gian tới.
Truy xuất nguồn gốc sẽ tháo gỡ đầu ra
PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, hiện nay, người dân chủ yếu nuôi 2 loại tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Tuy nhiên tôm hùm xanh được nuôi phổ biến, chiếm hơn 80% sản lượng vì thời gian nuôi ngắn chỉ từ 8-10 tháng là thu hoạch.
Riêng tôm hùm xanh được các viện nghiên cứu về thức ăn công nghiệp từ lúc con giống đến khi trưởng thành, nên có thể nuôi khép kín theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, dù đã có kết quả nghiên cứu, nhưng để doanh nghiệp sản xuất thức ăn hàng loạt cung cấp cho người nuôi thì cần có độ trễ và thời gian.
Đối với chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hiện bà con “vướng” là chưa có mã số vùng nuôi. Bởi trước nay, bà con chỉ biết nuôi và bán, chứ chưa có bộ phận thu mua.
Do đó, theo PGS.TS Võ Văn Nha, chúng ta phải làm chủ cho HTX để là nơi truy xuất được nguồn gốc. Một khi truy xuất được nguồn gốc sẽ tháo gỡ tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Với việc thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu để làm việc này ông cho rằng rất thiết thực và cần được đẩy mạnh nhân rộng.
Liên quan về tôm hùm giống, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết, hiện nguồn cung chủ yếu từ Philippines, Indonesia, Sri Lanka, nhưng chúng ta nhập về thông qua nước thứ 3 từ Singapore. Mỗi năm số lượng tôm hùm giống cần từ 8 - 10 triệu con, tuy nhiên theo hồ sơ nhập phải lên đến khoảng 80 – 90 triệu. Điều này chứng tỏ lượng tôm giống bị thất thoát rất lớn, bởi quá trình vận chuyển và ương dưỡng, kiểm tra, kiểm dịch chặt chẽ trước khi xuất bán.
Tại buổi làm viêc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu chính quyền thị xã Sông Cầu thực hiện chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản. Bởi việc chuyển đổi số này rất thiết thực vì liên quan đến thị trường.
Đối với tổ cộng đồng tự quản trong nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng lưu ý phải truyền đạt cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa của tổ như thế nào, hoạt động để làm gì. Riêng HTX phải trở thành chuỗi ngành hàng tạo giá trị trong việc giảm chi phí thức ăn, tăng chất lượng, hướng tới xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Nếu HTX chỉ đi thu mua rồi bán lại thì chỉ gọi là thương lái tập thể chứ chưa phải HTX… Ngoài ra, trong nuôi trồng thủy sản, môi trường rất quan trọng nên phải bảo vệ, không vứt rác xuống biển, thu gom xử lý đúng quy định và thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường thường xuyên để giúp người dân tránh thiệt hại.
VIFEP (Theo Báo Nông nghiệp VN)