Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu (XK) tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số các thị trường XK, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đang dẫn đầu với kim ngạch đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. XK vào thị trường này tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4. Sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều, nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn so với giá của các nguồn cung đối thủ.
Đối với thị trường Mỹ, 5 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ 2023. XK tôm sang Mỹ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 lại giảm mạnh. Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao, các chi phí nhà ở, xăng, gas tăng cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do xung đột ở Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.
Khả quan hơn thị trường Mỹ, XK tôm Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Điểm nhấn là XK tôm sang EU sau khi giảm trong tháng 2 và 3, đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5.
Tiêu thụ tôm của thị trường EU trong quý đầu năm rất chậm do thị trường này ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, đồng Euro mất giá so với USD, cước tàu tăng đột biến 60% do phải đi vòng, Trung Quốc gom container rỗng để xuất vào Mỹ.
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Mỹ nên sẽ giảm giá để tăng lượng XK vào châu Âu...
Cần chiến lược tạo sự khác biệt sản phẩm tôm trên thị trường
Nhận định về ngành tôm trong quý III/2024, VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới.
Chia sẻ thêm về thách thức với ngành tôm, Chủ tịch HĐQT Công ty Fimex Hồ Quốc Lực cho biết, giá xuất khẩu tôm bình quân hiện nay chỉ bằng 2/3 so với cách đây 5 năm. Cùng với sức tiêu thụ giảm do suy thoái kinh tế, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh cũng đang khiến ngành tôm bị ảnh hưởng.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD. So với mục tiêu cả năm, con số 1,3 tỷ USD đạt được mới chỉ chiếm khoảng 30 - 32%. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành tôm trong nước vào những tháng cuối năm 2024.
Theo Cục Thuỷ sản - Bộ NN&PTNT, hiện diện tích nuôi tôm cả nước vào khoảng 737.000ha. Sản lượng tôm thu hoạch tính đến tháng 6/2024 đạt 372.000 tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới (cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia). |
Trong bối cảnh cạnh tranh ngành tôm hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, cần làm tốt công tác quản lý, kiểm tra chất lượng nguồn giống để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, giảm rủi ro và chi phí sản xuất để giá tôm bán ra cạnh tranh hơn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistics, hướng đến sản xuất xanh và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thuỷ sản nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn.
Phía VASEP cũng nhận định, để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã và đang nỗ lực vạch ra các chiến lược để phát triển như gia tăng chất lượng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ vào cả khâu sản xuất và khâu nuôi để nâng hiệu suất, giảm giá thành sản phẩm.
VIFEP (TC)