Gỡ 'thẻ vàng': Thủy sản Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị bền vững


(20/03/2024 12:00:00 SA)

Từ việc tích cực và quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm gỡ 'thẻ vàng' IUU, cả hệ thống chính trị nước ta từ Trung ương xuống địa phương đã cùng nhau vào cuộc, trong đó, chuỗi giá trị nuôi trồng và khai thác bền vững được đặt ra như một phương hướng tất yếu, lâu dài.

Ngư dân Quảng Nham gặp khó khi cảng cá bồi lắng

Quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc và hoàn thiện văn bản chính sách

 liên quan đang được tích cực triển khai.

Thủy sản được xác định là một mũi nhọn của ngành nông nghiệp, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 11 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD. Không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”, đây còn là sinh kế của nhiều triệu lao động cả nước.

Qua đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của Việt Nam trong chống khai thác IUU nhằm gỡ “thẻ vàng”. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ bị “thẻ đỏ” là rất cao. EC sẽ tiếp tục thanh tra một lần nữa vào tháng 4/2024 nhằm đưa ra kết luận cuối cùng.

Theo đánh giá của EC, tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý tàu cá, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, xử lý vi phạm IUU chưa nghiêm; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa bảo đảm đầy đủ tính hợp pháp, còn nhiều lỗ hổng chưa được kiểm soát...

Do đó, việc gỡ “thẻ vàng” IUU cần sự chung tay đồng lòng tổng hợp của các bộ, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương có biển xác định là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách để từ đó tập trung thời gian, nguồn lực, có những chủ trương, giải pháp sát đúng, triển khai khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả. Thêm vào đó, quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi ngư dân, đặc biệt thẩm thấu được tình huống “nếu tiếp tục vi phạm khai thác IUU, ngư dân không chỉ làm ảnh hưởng đến quốc gia mà còn tự tay cắt đi nguồn thu nhập kiếm sống của mình”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan luôn khẳng định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành, không chỉ để xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU còn thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng xác định đây là cơ hội cho ngành khai thác thủy sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.

Đáng chú ý, Việt Nam đang tích cực triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi ngành ngành khai thác hải sản bền vững, nhằm tạo nền tảng cơ sở quản lý đội tàu theo hướng phù hợp với hiện trạng nguồn lợi đang được xây dựng, và chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Đặc biệt, để triển khai các giải pháp đồng bộ cho phát triển nghề cá bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam có chiến lược giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang phát triển nuôi trồng thủy sản để phát triển ngành thủy sản bền vững.

Bổ sung thêm các thông tin theo hướng đánh giá của EC, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, quản lý, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc và hoàn thiện văn bản chính sách liên quan đang được tích cực triển khai. Cụ thể, đã sửa xong Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá gần 16.000 chiếc, bảo đảm hồ sơ, được cấp phép, được đăng kiểm. Hơn nữa, khi Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được triển khai sẽ có thêm công cụ để xử lý vi phạm, sẽ có phần mềm kết nối tất cả các thiết bị hành trình.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, trên cơ sở khuyến nghị của EC, Việt Nam đã xử lý các tàu đánh cá vi phạm có hồ sơ không bảo đảm. Đơn cử như: Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải dừng một số cảng cá, rút Giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp vi phạm; Kiên Giang cũng là địa phương đi đầu trong xử lý vi phạm về tàu cá...

Gần đây nhất, ngày 25/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ký Quyết định số 407 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và phát triển thủy sản bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến được giao làm Trưởng ban, các thành viên còn lại là lãnh đạo: Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.

Bộ NN&PTNT giao 7 nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo IUU gồm: (i)- tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, đồng thời chỉ đạo tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch phục vụ phát triển thủy sản bền vững; (ii)- chỉ đạo, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật thủy sản, cơ chế, chính sách phục vụ quản lý ngành thủy sản bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn và hội nhập quốc tế và chống IUU; (iii)- xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU theo định kỳ hàng năm và đột xuất; xử lý các công việc thường xuyên, đảm bảo các điều kiện hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; (iv)- chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; triển khai các hoạt động thông tin truyền thông, tuyên truyền tập huấn pháp luật và hợp tác quốc tế trong khai thác hải sản, chống khai thác IUU với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực; (v)- đôn đốc, điều phối, phối hợp với các Ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan đề xuất Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong chống khai thác IUU của các địa phương; (vi)- theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các Ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo định kỳ, đột xuất; (vii)- thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ và Thủ tướng.

Vừa mới đây, chiều 5/2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp về IUU tại Kiên Giang, tới đây sẽ có Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng sẽ trực tiếp triển khai nhiệm vụ này.

Sau 4 lần kiểm tra, EC vẫn đánh giá cách làm và hướng đi của Việt Nam đang đúng. Các chuyển biến tích cực trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” đã được thể hiện nhưng sự vào cuộc của các địa phương còn thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên. Điều quan trọng là việc xây dựng, thực thi chuỗi giá trị cả nuôi trồng và khai thác hải sản đang theo hướng bền vững. Hy vọng và tin rằng, với Chỉ thị của Ban Bí thư thì tất cả hệ thống chính trị sẽ vào cuộc đồng bộ cả về hạ tầng, thiết bị lẫn nhân lực triển khai cùng sự tập trung cao độ với chuỗi giá trị với lần kiểm tra thứ 5 tới, kết quả hoàn toàn khả quan./.


VIFEP (ĐCS)

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...