Trang chủ   >  

Bất cứ chiến lược phát triển nào cũng phải dựa trên quy hoạch để phát triển kinh tế


(03/07/2023 12:00:00 SA)

Đây là ý kiến được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra trong buổi làm việc với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP) mới đây tại Hà Nội.


Phó Viện trưởng Nguyễn Thanh Bình báo cáo kết quả và kế hoạch

thực hiện nhiệm vụ năm 2022-2023. Ảnh VIFEP

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản hiện có 5 phòng chức năng, chuyên môn là Văn phòng Viện; Phòng KHCN&HTQT; Phòng Kinh tế, Chính sách; Phòng Quy hoạch thủy sản; Phòng GIS, Viễn thám và Môi trường và 03 đơn vị trực thuộc: Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thuỷ sản; Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá và Phân viện KTQHTS phía Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Tổng cục Thủy sản, thời gian qua, Viện đã tổ chức triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về tư vấn xây dựng quy hoạch, đề án phát triển ngành quan trọng, là công cụ phục vụ công tác quản lý, điều hành như: “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045”; “Lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Hợp phần “Thực trạng và phương hướng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia; “Đề án phát triển bền vững thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long”; “Đề án phát triển ngành chế biến thủy hải sản”; “Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Đề án nâng cao giá trị hải sản”; “Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản”; “Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển”; “Đề án Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực thủy sản”; Chương trình Quốc gia bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản...

Để thực hiện chủ trương của Nhà nước về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Viện cũng đã chuyển hướng sang tư vấn thực hiện các dự án, đề án phát triển thủy sản cho các địa phương trên cả nước (khoảng 20 tỉnh, thành phố) và doanh nghiệp, điển hình là tư vấn cho Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thực hiện dự án “Vùng sản xuất giống công nghệ cao An Hải, Nhơn Hải và khu phức hợp sản xuất tôm bố mẹ, thức ăn sống dời và tảo phục vụ sản xuất tôm giống chất lượng cao tại tỉnh Ninh Thuận” và tư vấn xây dựng các Quy hoạch phát triển ngành tôm tại 04 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau do Tập đoàn Minh Phú hỗ trợ kinh phí tư vấn.

Năm 2023, Viện đã được Bộ giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN năm 2023: “Đánh giá hiện trạng nuôi biển cả nước và xác định tiềm năng các vùng có khả năng phát triển nuôi biển” và Dự án “Phương án điều tra thực trạng sản xuất, tiêu thụ và hiệu quả ngành thủy sản”; “Xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm hùm”; Đề án Ngư nghiệp, Ngư dân, Ngư trường (Tam ngư).  Viện cũng đã chủ trì, tham gia phối hợp thực hiện 02 đề tài cấp tỉnh; 01 nhiệm vụ môi trường bao gồm: Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm rươi tại tỉnh Ninh Bình”; Đề tài “Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất nhân tạo giống và nuôi thương phẩm tôm càng sông (Macrobrachium nipponenis) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” và Nhiệm vụ “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường ngành nông nghiệp”.

Bên cạnh đó, năm 2022-2023, Viện cũng đã triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế như: Hợp tác với Trung tâm Nghề cá Thế giới triển khai hoạt động nghiên cứu giảm phát thải khí nhà kính trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp (Mitigate+); Hợp tác với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Nghiệp đoàn nghề cá triển khai hoạt động xây dựng các tài liệu truyền thông về quyền của người lao động và an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực nghề cá; Phối hợp với Tổ chức GIZ thực hiện tiểu dự án: “Xây dựng và vận hành mô hình tôm-rừng đổi mới sáng tạo và nâng cao giá trị cho nông hộ tại Cà Mau”; Hợp tác với một số Viện, trường trong nước và Trường Đại học Heriot-Watt (Anh Quốc) triển khai thực hiện dự án “Nguồn, sự tích tụ và giải pháp giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với các cộng đồng ven biển ở Việt Nam. Hợp tác với Tổ chức Traffic International tại Việt Nam điều tra thực trạng khai thác và buôn bán bất hợp pháp rùa biển; triển khai thực hiện dự án “Thiết lập bản đồ hội tụ mạng lưới cung ứng bất hợp pháp phòng chống tội phạm môi trường”.

Sau khi nắm rõ được những kết quả đạt được cũng như một số thuận lợi và khó khăn của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã bày tỏ: Cả nước hiện có 4 quy hoạch chính, gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương và quy hoạch ngành. Riêng ngành thủy sản có thêm 2 quy hoạch nữa, là: quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển và quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão. Bất cứ chiến lược phát triển nào cũng phải dựa trên những quy hoạch xương sống này. Quy hoạch là một trong những mũi nhọn chính của Viện. Do đó, Viện sẽ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn hoặc hàng năm cho các chương trình, dự án; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại phục vụ công tác phân tích, xây dựng và thiết kế quy hoạch phát triển thủy sản.

Hiện Viện có 3 nhiệm vụ quy hoạch chính. Một là, quy hoạch tổng thể, quy hoạch kinh tế, sinh thái phát triển thủy sản cấp quốc gia, vùng và địa phương. Hai là, quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần phát triển thủy sản cấp quốc gia, vùng và địa phương; quy hoạch các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, đất ngập nước, phát triển nông thôn mới. Ba là, quy hoạch phát triển ngành hàng, các sản phẩm thuỷ sản; quy hoạch các trung tâm nghề cá và các khu, cụm công nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản công nghệ cao.

Lĩnh vực hoạt động của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản rất rộng, tác động trực tiếp đến sức khỏe của ngành. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: Cán bộ nghiên cứu của viện cần làm rõ nét hơn "linh hồn" của đơn vị. "Linh hồn", theo Thứ trưởng, là cần phát triển song song cả hai mảng quy hoạch và kinh tế. Ông chỉ rõ: "Cái nào làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn. Cái nào làm chưa tốt thì cần học hỏi, nghiên cứu, hoặc tìm giải pháp từ hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ".

Về phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị lãnh đạo Viện có nhiều hoạt động sâu hơn, thực chất hơn, đem lại nguồn thu nhiều hơn cho cán bộ, công nhân viên, thay vì dừng ở điều tra cơ bản các lĩnh vực như kinh tế nguồn lợi, kinh tế vùng, kinh tế địa phương, kinh tế môi trường.

Tại buổi gặp, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thừa nhận:  Sau đại dịch Covid-19, các công tác của viện có sức ì nhất định. Cùng với đó, viện chưa thật chủ động, tích cực trong việc khai thác nguồn lực từ hợp tác quốc tế.

Viện vừa xây dựng chiến lược trung hạn trong 5 năm sắp tới. Do đó, ông Luân kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường quan tâm xem xét các đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trong đó, có việc xác định tiềm năng và đề xuất giải pháp phát triển cá cảnh, thủy sinh vật cảnh trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao.

Nhấn mạnh mọi công tác liên quan đến số liệu và tư vấn quy hoạch của ngành thủy sản đều thông qua Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, ông Luân xem Viện như "cánh tay nối dài" của các cơ quan quản lý ngành.

Đón nhận gợi mở của Thứ trưởng về tham khảo những mô hình tốt, cách làm hay của địa phương, ông Luân hứa sẽ phối hợp tích cực, chủ động với 28 tỉnh, thành phố ven biển cũng như các khu vực có tiềm năng phát triển chuỗi ngành hàng để xây dựng những nhiệm vụ khoa học mới cho Viện.

Đây cũng là mong muốn của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ông động viên cán bộ, công nhân viên của Viện tạo ra những sản phẩm "có linh hồn", lấy nội lực là cơ bản, ngoại lực là đột phá để chứng tỏ vị trí, vai trò của Viện đối với ngành thủy sản. "Thủy sản đóng góp hơn 25% vào GDP toàn ngành nông nghiệp. Tiềm năng, dư địa rất lớn nhưng có đặc thù là cần giải pháp đồng bộ. Để đạt được, không gì khác ngoài việc lấy quy hoạch làm điểm tựa để phát triển kinh tế, bởi bất cứ chiến lược phát triển nào cũng phải dựa trên quy hoạch”. Thứ trưởng nhấn mạnh.

VIFEP

 

Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...