Trong số hơn 5 triệu con giống thủy sản được thả về tự nhiên đợt này có 4,9 triệu con giống tôm sú, số còn lại là giống cá vược, cá chẽm và cá hồng Mỹ cùng một số loại thủy sản khác. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 2 tàu kiểm ngư và một số phương tiện thực hiện thả con giống.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Kiểm ngư, hoạt động thả giống thủy sản ra Vịnh Bắc bộ ở vùng biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh không chỉ nhằm bảo tồn, phát triển quỹ gen, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tăng cường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ sự đa dạng sinh học trên các thủy vực tự nhiên, góp phần tăng thêm nuôi trồng, giảm khai thác, phát triển ngành thủy sản bền vững, hướng tới phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Đông đảo đại biểu, các em học sinh tham gia thả giống thủy sản tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thông qua các hoạt động ý nghĩa như thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản sẽ khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân. Chúng ta nuôi biển, chúng ta nuôi bờ, chúng ta nuôi và xây dựng một hệ sinh thái kinh tế môi trường biển xanh, bền vững cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.
"Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày hôm nay rất có ý nghĩa, Quảng Ninh cũng như các địa phương khác đang triển khai đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc vảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhất là những loài thủy sản quý hiếm. Thời gian sắp tới, các cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là bà con ngư dân và vai trò của cộng đồng dân cư trong việc và phát triển nguồn lợi thủy sản, các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Hãy chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Với bờ biển dài hơn 3.260 km, diện tích vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, để phát triển kinh tế biển Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 36 - NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Một trong số những chủ trương lớn của nghị quyết chính là nuôi trồng và khai thác hải sản, hay còn gọi là nuôi biển như: Chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân…
Cụ thể hóa nghị quyết đó, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng Đề án nuôi biển và được Thủ tướng ký phê duyệt vào năm 2021. Quan điểm xuyên suốt của Đề án là phát huy lợi thế của biển, xây dựng ngành nghề nuôi biển khép kín, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc trên cơ sở chuyển đổi số gắn với giảm phát thải. Xây dựng ngành hàng nuôi biển xanh góp phần thực hiện Nghị quyết số 19 về xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
VIFEP (TH)