Gia tăng nguồn lợi tỷ đô từ nghề nuôi biển


(27/03/2024 12:00:00 SA)

Mang lại nguồn thủy sản xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm, ngành nuôi biển (nuôi trồng thủy sản trên biển) đang đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như thu hút đầu tư vào nghề nuôi biển, theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách linh hoạt.

Phát triển những “thành phố nuôi trên biển”, tại sao không?
Việc phát triển nuôi biển của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Nuôi biển mang lại giá trị kinh tế cao

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, nuôi biển có nhiều tiềm năng để phát triển và mang lại giá trị kinh tế, đóng góp lớn. Đặc biệt, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 đã mở ra hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển lĩnh vực này.

Đến năm 2030 xuất khẩu từ nuôi biển đạt 1,8 - 2 tỷ USD

Nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về hơn 9,2 tỷ USD, trong đó tôm đạt 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD… đây cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nuôi biển.

Thị trường tiêu thụ của các đối tượng nuôi biển khá đa dạng, trong đó, cá biển tiêu thụ trong nước chủ yếu là cá sống, phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, phần nhỏ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn như Mỹ, châu Âu (EU) với kim ngạch xuất khẩu chính ngạch khoảng 30 triệu USD/năm.

Xuất khẩu nhuyễn thể của nước ta đạt giá trị cao và tăng qua các năm. Ví dụ, thị trường xuất khẩu chính của nhuyễn thể là EU, Mỹ, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Asean. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt 79 triệu USD, năm 2017 đạt 92 triệu USD, năm 2019 đạt 93,6 triệu USD. Đến nay, EU đã công nhận 12 vùng nuôi nhuyễn thể an toàn của Việt Nam, khả năng thu hoạch 200.000 - 220.000 tấn/năm.

Tôm hùm ở Việt Nam hầu hết được xuất khẩu tươi sống nguyên con, thị trường chủ yếu là Trung Quốc và một phần được tiêu thụ nội địa tại các nhà hàng và khách sạn. Sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng hơn 1.200 tấn (gồm cả tôm hùm khai thác), trong đó xuất khẩu chính ngạch khoảng 200 tấn và xuất khẩu tiểu ngạch khoảng 1.000 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 40 triệu USD/năm…

Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển

Theo các chuyên gia, tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ như: Nhà nước giao quyền sử dụng vùng biển dài hạn (30-50 năm) cho chủ đầu tư, có chính sách về tín dụng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo hiểm nuôi biển...

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, doanh nghiệp nuôi biển hiện nay đang đối mặt với 7 khó khăn chính. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính là đến thời điểm này chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến cho doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý.

“Hiệp hội đã tiếp nhận hàng chục khuyến nghị, đề xuất từ doanh nghiệp với mong muốn giải quyết những trở ngại này. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự kết nối hiệu quả giữa các bộ, ngành về chính sách nuôi biển”- ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chuyên môn cho ngành nuôi biển còn hạn chế do chưa có ngành đào tạo chuyên sâu về nuôi biển. Bộ NN&PTNT cũng chưa có chương trình khuyến ngư cho người dân ven biển tiếp cận công nghệ cao. Đáng chú ý, còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển cũng gây ra tình trạng không có đơn vị nào đăng ký cho trại nuôi biển. Mặt khác, thiếu bảo hiểm và rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp do dự, chưa dấn thân cho ngành nuôi biển bền vững.

Theo ông Dũng, việc thu hút đầu tư cho ngành nuôi biển còn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giải pháp chính sách linh hoạt và hiệu quả từ các cấp quản lý địa phương.

VIFEP (TC)

Xem thêm >>

Tin tức
 Chuyển đổi xanh: Hướng đi bền vững của ngành thủy sản   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản mang về hơn 8,3 tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ đô/tháng   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp để giữ vững mục tiêu tăng trưởng   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu cá tra thu về gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Đón sóng từ thị trường, xuất khẩu thủy sản cần vượt rào cản để bứt phá   (27/09/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản trước cơ hội và thách thức lớn   (19/09/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...