65 năm bứt phá vượt bậc của ngành thuỷ sản


(25/03/2024 12:00:00 SA)

Từ 1 tỷ USD năm 1999, đến nay, Việt Nam đã đạt quy mô xuất khẩu 11 tỷ USD, cùng với Trung Quốc, Na Uy trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới
Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư - Bộ NN&PTNT giới thiệu về các hoạt động trong dịp 65 năm truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư.

Những ngày tới, ngành thủy sản và lực lượng kiểm ngư sẽ bước vào dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành thủy sản (1-4) và 10 năm ra mắt kiểm ngư (15-4).

Ngày 22-3, Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) tổ chức thông tin về Lễ Kỷ niệm 65 năm truyền thống ngành Thủy sản (01/4/1959-01/4/2024) và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024).

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thuỷ sản, cho biết trong 65 năm qua, bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế.

Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam có mặt ở 170 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu lần lượt vượt các mốc 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

Kinh tế biển phát triển đã giúp cải thiện đời sốngcủa bà con ngư dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.

“Thủy sản đã chủ động đi trước trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu” - Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ.

Nỗ lực chống khai thác IUU

Quá trình phát triển ngành thủy sản cũng đi đến yêu cầu hình thành lực lượng kiểm ngư để thúc đẩy tuân thủ pháp luật về hoạt động thủy sản. Sau 10 năm ra mắt, kiểm ngư Việt Nam, như Cục trưởng Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng báo cáo, đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được luật hóa đầu tiên bằng một pháp lệnh riêng của Hội đồng Nhà nước năm 1989. Đến năm 2012, tên gọi kiểm ngư và nội dung hoạt động được quy định cụ thể bằng Nghị định 102/2012/NĐ-CP. Ngày 15-4-2014, tại Đà Nẵng, lực lượng kiểm ngư chính thức ra mắt.

Trong 10 năm qua, lực lượng Kiểm ngư đã điều động hàng nghìn lượt tàu thực hiện nhiệm vụ trên biển, phát hiện, xử lý hàng chục nghìn lượt tàu cá vi phạm, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hàng trăm tỷ đồng.

Trước tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý có những diễn biến phức tạp, dẫn tới cảnh báo thẻ vàng của EU đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt nam, Cục Kiểm ngư được giao thêm nhiệm vụ thường trực công tác chống khai thác IUU, đầu mối thực hiện xử lý hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Qua các năm thực hiện, lực lượng kiểm ngư đã tập trung triển khai tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển trọng điểm, đồng thời thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Ban chỉ đạo Trung ương các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác hải sản.

Đến nay số vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, 100% tàu cá đánh bắt xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác.

Cục Kiểm ngư cũng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế nhằm trao đổi thông tin, hợp tác với các quốc gia trong khu vực và thế giới, tăng cường năng lực thực thi pháp luật, phối hợp triển khai các giải pháp nhằm hạn chế hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đến nay, đã thực hiện ký kết thỏa thuận và quy chế đường dây nóng về các vụ việc phát sinh của hoạt động nghề cá trên biển với Trung Quốc, Brunei; đang tiến hành đàm phán ký kết thỏa thuận, quy chế đường dây nóng với Thái Lan, Indonesia, Camphuchia...

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư và Cục Thủy sản cho biết, vào dịp 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam, hai đơn vị sẽ tổ chức hội nghị phát triển nuôi biển bền vững chia sẻ kinh nghiệm Quảng Ninh; tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và giới thiệu các mô hình nuôi biển. Tại Hà Nội và các địa phương sẽ có nhiều hoạt động phù hợp.

VIFEP (PL)

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...