Để chủ động trong xuất khẩu, các DN xuất khẩu thủy sản cũng chủ động mở rộng thị trường.
Hiện tại, tôm ít bị ảnh hưởng
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thuỷ sản Việt Nam, tuy nhiên thị trường Trung Quốc không phải là thị trường xuất khẩu chính nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta (FMC), vừa qua do ảnh hưởng từ sự bùng phát của virus corona khiến cửa khẩu Việt – Trung tạm ngưng thông quan, đã có tác động xấu tới việc tiêu thụ nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng thủy sản. Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn. Thời điểm này tôm sú cỡ lớn hết vụ, sản lượng cuối mùa không đủ trả các hợp đồng cho các thị trường khác. Cho nên cơ bản DN không ảnh hưởng việc tiêu thụ tôm trong giai đoạn hiện nay.
Riêng đối với FMC có thị phần ở Trung Quốc không tới 0,5%, cho nên hoạt động FMC bình thường hiện nay. Do tháng 1/2020, FMC hoạt động sản xuất 22 ngày nên doanh số chỉ đạt 9,9 triệu USD (so 13,9 triệu cùng kỳ 2019). Bù lại tháng 2 này ngày làm việc sẽ nhiều hơn tháng 2/2019, doanh số sẽ cao hơn.
Do quan ngại dịch bệnh nCoV, người lao động được phát khẩu trang và đo thân nhiệt khi vào cổng. Việc làm này nhằm nâng cao ý thức để mọi người biết cách phòng bệnh. Ông Hồ Quốc Lực cũng lạc quan cho rằng, hiện nay nhiều nước đang ráo riết sản xuất vaccin phòng chống virus corona. Như vậy, dịch bệnh này sẽ được khống chế không lâu. Mọi hoạt động xuất khẩu sẽ sớm trở lại bình thường.
Để chủ động trong xuất khẩu, các DN xuất khẩu tôm cũng chủ động mở rộng thị trường, trong đó có Hoa Kỳ là thị trường đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4%. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú- DN xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính của DN. Hiện DN đang tập trung sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho tôm xuất khẩu của Ấn Độ, đồng thời áp dụng biện pháp tạm thời đối với sản phẩm tôm xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Minh Phú) và công ty liên kết tại Hoa Kỳ. Mặc dù chưa đồng tình với cáo buộc này, song DN đã chủ động hợp tác, cung cấp số liệu. Từ tháng 1/2020, Minh Phú đã chỉ định luật sư tại Hoa Kỳ và Việt Nam làm thủ tục đăng ký với phía Hoa Kỳ để tham gia tích cực và cung cấp số liệu giúp cơ quan này hiểu chính xác hơn, có thông tin đa chiều và đã được kiểm chứng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng nhằm đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Đẩy mạnh XK sang thị trường khác
Đối với mặt hàng cá tra, Trung Quốc- Hồng Kông là thị trường xuất khẩu chủ lực của các DN Việt Nam, chiếm đến hơn 30% tỷ trọng xuất khẩu, nên trước mắt sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, có nhiều cơ hội mở cho các DN mở rộng XK sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Theo Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc, việc Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức công bố quyết định Công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mở ra cơ hội rất lớn cho các DN sản xuất ngành hàng này. Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ thông báo quyết định mức thuế sơ bộ cho POR15 là 0 USD/kg, thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg - thấp hơn nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó là POR14, đây sẽ là cơ hội cho nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ. Đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP với cam mức thuế nhập khẩu thủy sản rất có lợi cho DN xuất khẩu Việt Nam... Những lợi thế này là cơ hội để các DN thủy sản mở rộng xuất khẩu, đây cũng là điều kiện thuận lợi kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục trong năm 2020.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41,41 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch thủy sản chiếm 1,23 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc đã công nhận 680 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này. Trước diễn biến của virus corona, các DN cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí không thể thực hiện được, để từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh. Ngoài ra, các DN cần thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm Trưởng đoàn sang làm việc tại các bang của Hoa kỳ để tìm kiếm khả năng ký kết, thúc đẩy thương mại nông lâm thủy sản hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo đó, đoàn công tác sẽ khảo sát nguồn cung nông sản của Hoa Kỳ, kết hợp xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản hai chiều; Tổ chức các Diễn đàn DN thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản; Chương trình kết nối giao thương giữa DN hai nước; Làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi trong XNK nông lâm thủy sản giữa hai nước. |
VIFEP (HQ)