Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm 2022 có nhiều biến động và khó khăn đối với xuất nhập khẩu, trong đó có ngành thuỷ sản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Kết quả, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Năm 2022, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine đã giúp cho loài cá thịt trắng có giá vừa phải như cá tra tăng mạnh doanh số xuất khẩu đi các thị trường. Đa số các thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều tăng từ 40 – 200%” - VASEP nhận định.
Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy – 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới. |
Cụ thể, xuất khẩu cá tra tính đến cuối tháng 10/2022 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021. Nhu cầu thị trường tăng trong quý 3 và đầu quý 4 để phục vụ cho đơn hàng và tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán, lễ hội cuối năm trong khi nguồn cung nguyên liệu giảm khiến cho giá cá xuất khẩu tăng cao hơn vào giai đoạn này.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ tính đến hết tháng 10 ước đạt 890 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD...
VASEP ước tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Cả năm 2022, ước tính kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản sẽ chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam./.
VIFEP (TCVN)