Điều tra, đánh giá hiện trạng lao động khai thác thủy sản trên phạm vi cả nước để cung cấp cơ sở, dữ liệu quản lý khai thác thủy sản
(19/08/2024 12:00:00 SA)
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện của một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Việt Nam; Bộ tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội; Sở Lao động, Thương binh xã hội một số tỉnh; Liên đoàn
Lao động một số huyện có nghiệp đoàn Nghề cá; Nghiệp đoàn Nghề cá cơ sở tại một
số địa phương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổ chức Lao động quốc tế
(ILO) của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam; Chương trình Hợp tác ASEAN - Australia về
phòng, chống mua bán người (ASEAN ACT) tại Việt Nam (thuộc Đại sứ quán
Australia tại Việt Nam); Hội Thủy sản Việt Nam; một số tổ chức phi chính phủ tại
Việt Nam…
Hội thảo được tổ chức
với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin về thực trạng lao động khai thác
thủy sản trên tàu cá, gắn với thực hiện quy định chống khai thác thủy sản bất hợp
pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); Thu nhập, việc làm và an sinh
xã hội của lao động; Các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về lao động
trên tàu cá; Hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá, chia sẻ kinh nghiệm thực tế làm
việc trên tàu cá, một số mô hình tổ chức lao động và khuyến nghị cho việc tổ chức
lao động nghề cá Việt Nam…
Hội thảo đã nghe ông
Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục
Thủy sản trình bày thực trạng lao động trong khai thác thủy sản hiện nay của
ngành gắn với việc thực hiện các quy định chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tiếp
đó, Hội thảo đã nghe bà Phan Thị Huệ, Phó chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Việt Nam, tóm tắt hệ thống quy định của pháp luật Việt Nam
về lao động trong khai thác thủy sản, ông Trần Văn Luận báo cáo về tổ chức và
hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam.
Đồng thời, đại diện của
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản báo cáo Hội thảo về thu nhập, việc làm của
lao động nghề cá trong thời gian qua. Hội thảo cũng nghe bà Phạm Thị Thu Lan,
Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
gợi ý một số mô hình, kinh nghiệm tổ chức lao động khai thác thủy sản của các
nước trên thế giới và khuyến nghị về một số mô hình tổ chức lao động phù hợp với
thực tế nghề cá của Việt Nam. Hội thảo cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm thực
tế làm việc trên tàu cá của các ngư dân trực tiếp lao động đánh bắt thủy sản
trên biển và nêu một số mong muốn, đề xuất.
Tại Hội thảo, Tiến sỹ
Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông
nghiệp và PTNT, Đại biểu quốc hội, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường
của Quốc Hội khóa 14 cho rằng Hội thảo rất có ý nghĩa, cần được tổ chức thêm
các hội thảo với sự tham gia của các tổ chức, đơn vị, các địa phương ven biển. Tiến
sỹ Nguyễn Việt Thắng cũng đề nghị tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng lao động
khai thác thủy sản trên phạm vi cả nước trong thời gian tới, có thể do cơ quan
nhà nước chủ trì thực hiện và các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Ông cho rằng đây là
công việc rất cần thiết, nên được tiến hành sớm để cung cấp cơ sở, dữ liệu quản
lý khai thác thủy sản nhằm góp phần triển khai các chủ trương lớn của Đảng và
Nhà nước về phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản của Việt Nam.
Chuyên gia về lao động
di cư của ILO, ông Benjamin Harkins, đã chia sẻ, giới thiệu về Công ước số 188
của ILO về việc làm trên tàu khai thác thủy sản. Công ước này đến nay đã được
21 quốc gia phê chuẩn, đề cập đến các tình huống và điều kiện làm việc cụ thể
trong ngành khai thác thủy sản.
Ảnh: Chuyên gia về lao động di cư của ILO, ông Benjamin Harkins tại Hội thảo
Sau thời gian 01 ngày
làm việc khẩn trương, tích cực và hiệu quả, Hội thảo đã thống nhất ghi nhận một
số nội dung nổi bật như sau:
Số liệu về thống kê
lao động trong khai thác thủy sản chưa đồng nhất, rất cần có cuộc điều tra tổng
thể về lao động nghề cá để phục vụ mục đích quản lý ngành, hoạch định và thực
hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề cá bền vững.
Những thách thức trong
quản lý, phát triển lực lượng lao động nghề cá hiện nay là rất lớn như hoàn thiện
hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng và người lao động khai thác thủy sản cho phù
hợp với đặc thù của nghề đánh bắt thủy sản, tạo ra mối ràng buộc pháp lý chính
thức, sự gắn kết, thực hiện cam kết của cả 2 bên, bảo đảm an sinh xã hội cho
người lao động; tiếp tục đào tạo nghề, bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều
kiện làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động
khai thác thủy sản trên biển.
Hiện nay nghề khai
thác thủy sản không phù hợp và không sử dụng lao động chưa thành niên theo quy
định của pháp luật về bảo vệ trẻ em và về lao động, công việc nặng nhọc, đặc
thù làm về đêm, lao động chưa thành niên trong khai thác thủy sản không hiệu quả,
thực tế hiện nay ngành cũng không thiếu lao động đánh bắt thủy sản và công tác
kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng khi tàu cá xuất bến và
sản xuất trên biển.
Khung khổ pháp lý, một
số quy định pháp luật liên quan đến lao động trong khai thác thủy sản cần tiếp
tục được hoàn thiện nhằm từng bước nâng cao đời sống người lao động, hiệu quả
khai thác thủy sản và góp phần phục vụ cho nghề cá Việt Nam phát triển bền vững
và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội
thảo là cơ hội để mở ra những hướng đề xuất điều tra, nghiên cứu, xây dựng nhiệm vụ về lao động
khai thác thủy sản góp phần phát
triển khai thác thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tính bền vững
trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm
Đặng
Cường (Phòng
Quy hoạch thuỷ sản)
|