Các doanh nghiệp thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động
phù hợp với bối cảnh của thị trường
Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều bứt phá, gồm: cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng 95%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục sẽ là động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Tuy vậy, dự kiến kim ngạch toàn ngành chỉ đạt 9,5 tỷ USD, dù tăng 7% so với năm ngoái nhưng lại thấp hơn mục tiêu 10 tỷ USD đề ra đầu năm 2024.
Một trong những lý do khiến ngành xuất khẩu thủy sản gặp khó khi hướng đến mục tiêu cao hơn là do thiếu nguyên liệu, trong đó, nghiêm trọng nhất là ngành tôm. Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) cho biết, nguyên nhân do năm nay, số ngày nắng tốt không đủ nên người nuôi phơi ao không đạt chuẩn; mưa bão ảnh hưởng nguồn nước nên tôm bị yếu, chậm lớn.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, giá thành nuôi tôm ngày càng cao. Hiện tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam quá thấp, chỉ 40%, trong khi các nước sản xuất lớn khác như Ấn Độ đạt 60%-70%, Ecuador 90%. Người nuôi cũng chưa chịu làm các chứng nhận BAP, ASC, tôm hữu cơ/sinh thái… nên khó bán tôm hoặc bán được nhưng giá không cao. Chưa kể, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống kém chất lượng trà trộn vào thị trường…
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua có doanh nghiệp lỗ cả chục tỷ đồng do phải tiêu hủy lô tôm giống nhiễm bệnh. Do đó, cần tăng cường kiểm soát để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập. Thực tế thời gian qua, việc kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu đã phát hiện 3/10 lô chính ngạch bị nhiễm bệnh.
Nhận định về tình trạng dịch bệnh trên thủy sản, lãnh đạo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 9 tháng năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 4.257ha (giảm 28,94% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh 3.593ha (giảm 34,97% so với cùng kỳ); diện tích cá tra bị nhiễm dịch bệnh là 260ha (giảm 30,23% so với cùng kỳ). Tuy dịch bệnh trên tôm có chiều hướng giảm nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi thời tiết khí hậu có chiều hướng tăng mạnh so với năm 2023.
Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...), ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân là 17.316ha và 3.936 ao, lồng, bè, vèo; chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người nuôi phải cẩn trọng, tránh mua hàng nhập lậu để phòng rủi ro con giống nhiễm bệnh, chất lượng kém, nuôi lâu lớn… Cùng với đó, cần tiếp tục xử lý môi trường nước để tránh ô nhiễm, chọn con giống sạch bệnh, chọn thức ăn không chứa mầm bệnh, tăng cường kiểm dịch vận chuyển, tránh mầm bệnh lây lan để phòng từ sớm, từ xa.
Nhằm bảo đảm nguyên liệu thủy sản xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thủy sản thống kê thiệt hại cụ thể, chi tiết ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua đến vùng nuôi trồng thủy sản để lên kế hoạch phục hồi và tăng tốc sản xuất ở những vùng không bị ảnh hưởng. Các địa phương không được chủ quan bởi dịch bệnh trên thủy sản khi đã xuất hiện thì lây lan nhanh và gây thiệt hại rất lớn. Các cơ sở nuôi trồng phải ưu tiên xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học, tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh khử khuẩn, xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi. Về con giống, cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và đảm bảo sức đề kháng cao... Các địa phương cần hỗ trợ người nuôi về quy trình kỹ thuật, thời điểm thả giống, cảnh báo các yếu tố môi trường có thể tác động đến sức khỏe thủy sản.
“Để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
VIFEP (NH)