Trang chủ   >  

Xuất khẩu thủy sản cần tránh tư tưởng “bóc ngắn cắn dài”


(17/07/2023 12:00:00 SA)

Trước bối cảnh sụt giảm của xuất khẩu thủy sản, để có thể tăng tốc từ quý 3/2023 như kỳ vọng, điều quan trọng là các doanh nghiệp trong ngành hàng này (nhất là với hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra) cần tiếp tục hoàn thiện mình, tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành, có sự chuẩn bị thấu đáo, cân đối nhu cầu thị trường… Và đặc biệt là nên tránh tư duy “bóc ngắn cắn dài”.

Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu đang đòi hỏi các DN trong ngành tôm 
phải tự chủ được nguyên liệu, giảm được giá thành.

Trong báo cáo đánh giá công bố vào trung tuần tháng 7/2023 về một doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) tôm sinh thái hàng đầu ở Việt Nam là CTCP Camimex Group (CMX), Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset đã dự phóng biên lợi nhuận gộp của CMX có thể tăng 12,4% lên 14,9% cho năm nay. Điều này có được là nhờ công ty tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu, khi giá nguyên liệu tự cung thấp hơn 15-20% giá thu mua tôm bên ngoài.

Tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành

Xét về việc tự chủ nguyên liệu, CMX đang đặt mục tiêu mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái, tôm công nghệ cao đạt mức 20.000 ha, từng bước tự chủ 20 – 30% nguyên liệu tôm thẻ đầu vào từ nay cho tới năm 2025.

Theo đánh giá, nuôi tôm công nghệ cao sẽ giúp DN này tăng sản lượng gấp 4 lần so với phương thức nuôi truyền thống, đồng thời chất lượng tôm cải thiện giúp tăng giá bán.

Trong khi đó, một nhà XK tôm tầm cỡ là CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú hiện tại cũng đã tự chủ được 10% nguyên liệu, 90% còn lại phải mua từ bên ngoài.

Những năm trước (từ tháng 4/2023 trở về trước), Minh Phú luôn mua tôm giá cao cho người nuôi tôm vì là DN chế biến nếu không mua giá cao thì bà con không nuôi nữa, khi đó DN sẽ không có tôm chế biến.

Cho nên, năm nay, theo lãnh đạo Minh Phú, tình hình xấu, nếu cứ mua giá cao thì không cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và Ecuador, công ty buộc phải giảm giá mua. Như vậy, Minh Phú mua tôm theo giá thị trường quốc tế thì bà con nuôi tôm phải cải tiến quy trình nuôi tôm để cạnh tranh.

Đối với việc giảm giá thành tôm để cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và tôm Ecuador giữa bối cảnh chi phí nguyên vật liệu sản xuất ra con tôm ngày càng tăng, lãnh đạo Minh Phú nhấn mạnh đến giải pháp chiến lược. Đó là tận dụng các loài tôm bản địa của Việt Nam mà đối thủ không có; Hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống; Sản xuất tôm giống kháng bệnh; Hoàn thiện các mô hình nuôi tôm, nuôi tôm kháng bệnh, mật độ thấp vừa sức tải môi trường.

Quan sát hoạt động của hai DN nêu trên trong ngành tôm sẽ thấy việc tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành, cải tiến quy trình nuôi tôm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường XK trước nhiều khó khăn như hiện nay là cực kỳ cần thiết.

Như cảm nhận của Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), những DN có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược… sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn so với các DN chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn. 

Cân đối nhu cầu thị trường

Còn với ngành hàng cá tra, theo ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc CTCP Thủy sản Trường Giang, ngành hàng này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các thị trường XK cá tra trọng điểm của Việt Nam hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, các nước châu Á, các quốc gia thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều đang suy giảm. 

Do đó, ông Văn nhấn mạnh đã đến lúc các DN cần cân đối lại nhu cầu của thị trường XK, nhất là cần giải bài toán nhu cầu thị trường, không thể sản xuất tràn lan, sau đó lại phải tìm mọi cách để bán ra.

Ngoài ra, với thị trường chính yếu cho XK cá tra như Trung Quốc đã không còn dễ dãi hay giá rẻ nữa mà đã có những phân khúc cao cấp, khó tính hơn. Thực ra, các tỉnh phía Nam và phía Bắc của thị trường tỷ dân này tương đối dễ tính, tuy nhiên điều đó không có nghĩa họ chấp nhận những sản phẩm kém chất lượng.

Ông Văn băn khoăn làm sao để kéo giá nguyên liệu cá tra xuống bằng những năm trước ở mức 1 USD/kg, vì hiện giờ đã lên đến 1,2 USD? Hy vọng vào nửa cuối năm, các DN trong ngành hạ được giá thành và có điều kiện cạnh tranh, phát triển mạnh hơn nữa.

Trên thực tế, như trường hợp CTCP Vĩnh Hoàn, do giá thức ăn nuôi cá tra vẫn duy trì ở mức cao trong khi giá cá giảm so với cùng kỳ năm trước không chỉ làm giảm sức cạnh tranh mà còn có thể làm cho biên lợi nhuận của công ty được dự báo sẽ ở mức thấp trong năm nay.

Trong khi đó, trước tình hình khó khăn tại các thị trường XK chính như Mỹ và châu Âu, Công ty Vĩnh Hoàn dự kiến dừng tăng giá bán và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh.

Lãnh đạo Vĩnh Hoàn nhận định nhu cầu phi lê cá thấp trên thị trường toàn cầu và giá thức ăn chăn nuôi (cụ thể là đậu nành và bắp ngô) tăng trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng lợi nhuận của công ty trong giai đoạn 2023-2024.

Trong việc giảm giá thành cho ngành hàng cá tra, ông Ong Hàng Văn cho rằng, các DN cá tra cần ngồi lại với nhau đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương về phương án hỗ trợ biện pháp để giảm giá thành thức ăn cho cá tra. 

Chẳng hạn như trước dịch Covid-19, giá 1kg thức ăn nuôi cá tra là trên dưới 10.000 đồng, nhưng đến tháng 6/2023 đã lên trên dưới 13.000 đồng. Thời gian gần đây, giá có giảm 200 - 300 đồng nhưng chưa đáng kể. Như lưu ý của ông Văn, giá thức ăn cho cá tra sau dịch Covid-19 tăng 30%, chiếm tỷ trọng 75% giá thành cá tra. Con số này quá cao khiến lợi nhuận của cả ngành chế biến, nuôi cá tra giảm.

Trước những thách thức của XK thủy sản, để có thể tăng tốc từ quý 3/2023 như kỳ vọng, giới chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng là các DN trong ngành hàng này cần hoàn thiện mình theo xu thế hiện nay. Đặc biệt là cần tránh tư tưởng “bóc ngắn cắn dài” như trước kia.

Như chia sẻ của Ts. Hồ Quốc Lực, tất cả các DN đều trên đường đua trường kỳ, phải tính toán bền sức, phải có sự chuẩn bị mọi mặt cần thiết. Hơn nữa, sự liên kết trong chuỗi ngành hàng để nhằm giảm giá thành là hết sức quan trọng, đòi hỏi cần thực chất hơn nữa mới có hiệu quả.

VIFEP (KD)

Xem thêm >>

Tin tức
 Năm 2025, ngành thuỷ sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng   (10/01/2025 12:00:00 SA)
 4 cơ hội lớn để thuỷ sản vượt mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong 2025   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu mới   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản năm 2025   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Giải pháp nào để xuất khẩu thuỷ sản không 'loanh quanh' mức 10 tỷ USD?   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...