Nuôi cá lồng tại xã Tà Mít (Tân Uyên, Lai Châu).
Với nguồn nước hồ chứa sạch, nhiều vùng còn có thể phát triển các loài thủy sản đặc hữu, đặc sản có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích… Khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo. Hiện trong 13 hồ chứa có diện tích hơn 5.000ha thì các hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Na Hang, Trị An là nhóm hồ chứa có tiềm năng nuôi trồng thủy sản cao.
Những hồ này có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 đến 1,5 lần và ổn định cho người nuôi, có thể bảo đảm lợi ích lâu dài và một nghề cá có trách nhiệm cam kết với cộng đồng. Trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao.
Đồng thời, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng, loài bản địa, cá nước lạnh… ở vùng có điều kiện sinh thái phù hợp; xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Các địa phương cần khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái.
VIFEP (ND)