Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải


(09/12/2024 12:00:00 SA)

Chiều 6-12, tại TP HCM, Trường Đại học Văn Hiến phối hợp với Trung tâm Nghề cá thế giới (WorldFish) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế "Thực phẩm thủy sản trong chuyển đổi hệ thống thực phẩm phát thải thấp ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và con đường tương lai". Hội thảo do Chương trình Nghiên cứu hệ thống thực phẩm phát thải thấp của CGIAR tài trợ, đã thu hút 47 bài tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước, trong đó có 5 bài tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo.


Phần tọa đàm trao đổi chuyên sâu nội dung các đề tài tham luận

Tìm giải pháp có tính ứng dụng cao

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc chuyển đổi sang các hệ thống thực phẩm phát thải thấp đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Ông đặc biệt đề cập vai trò quan trọng của ngành thủy sản - một nguồn tài nguyên quý giá của Việt Nam - trong việc bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Minh Đức cũng chỉ ra rằng bên cạnh những cơ hội lớn, ngành thủy sản đang phải đối mặt không ít thách thức. Việc cân bằng giữa nhu cầu gia tăng sản lượng thủy sản, bảo vệ môi trường và bảo đảm hiệu quả kinh tế khi áp dụng các mô hình sản xuất bền vững là một bài toán khó. Những vấn đề này đòi hỏi phải được nghiên cứu, thảo luận và giải quyết một cách khoa học, có hệ thống và gắn liền với thực tiễn. PGS Đức kỳ vọng các tham luận không chỉ là những nghiên cứu khoa học sâu sắc mà còn là các sáng kiến mang tính ứng dụng cao.

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Giáp từ Trường Quản trị và Kinh doanh - ĐHQG Hà Nội, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị tập trung vào các ngành năng lượng, giao thông và nông nghiệp để giảm phát thải. Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành thủy sản được đánh giá có ưu thế nhờ mức phát thải thấp hơn so với chăn nuôi, tạo tiềm năng lớn để phát triển như một nguồn cung cấp đạm thay thế với phát thải cao. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng này, ngành thủy sản cần tập trung giảm phát thải trong một số khâu quan trọng như sản xuất thức ăn, sử dụng năng lượng tại các trang trại, vận chuyển và chế biến.

Một số chuyên gia cho rằng hiện nay, các nghiên cứu về giảm phát thải trong ngành thủy sản còn hạn chế, đồng thời thiếu những hướng dẫn cụ thể để tính toán lượng phát thải của ngành. Bên cạnh đó, chi phí gia tăng khi áp dụng các biện pháp giảm phát thải cũng gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi việc này chưa được quy định bắt buộc.

TS Michelle Tigchelaar từ Tổ chức WorldFish chỉ ra rằng nhiều người thường tách biệt các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, phát triển ngành và biến đổi khí hậu, mà không nhận ra mối liên hệ giữa chúng. Theo bà, phát triển bền vững ngành thủy sản có thể đồng thời giải quyết cả hai vấn đề này, với điều kiện là cần có sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại.

Bà Tigchelaar khuyến nghị Việt Nam cần triển khai các biện pháp quản lý bền vững trong ngành thủy sản, bao gồm việc bảo vệ đường bờ biển và rừng ngập mặn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững, đồng thời xem xét các yếu tố hỗ trợ như bảo hiểm, nhằm giúp nông dân duy trì sản xuất và giảm thiệt hại do thiên tai và lũ lụt.

Không để "nước đến chân mới nhảy"

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành thủy sản Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu, nên luôn chủ động đón đầu xu thế thị trường để thích ứng ngay khi có yêu cầu bắt buộc, tránh rơi vào tình trạng "thẻ vàng". Hiện nay, ngành tập trung vào hiệu quả kinh tế thay vì chỉ chạy theo sản lượng hay giá trị, với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp sản xuất xanh và tối ưu hơn.

Ông nhấn mạnh hiện trên thế giới có nhiều mô hình giảm phát thải hiệu quả, như giảm tiêu thụ thức ăn, sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất. Đặc biệt là phát triển mô hình lúa - tôm đang phát triển mạnh ở ĐBSCL, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Người đứng đầu Cục Thủy sản cho rằng thủy sản giảm phát thải cũng như việc ứng dụng nuôi thủy sản thực hành tốt (VietGAP). Nhiều người từng đặt câu hỏi "Tôi làm VietGAP bán giá có cao hơn không?" mà không để ý rằng nếu thực hiện thì có thể giảm chi phí đầu vào, giúp tăng hiệu quả. "Chúng tôi luôn lắng nghe và chào đón các sáng kiến có thể giúp ngành thủy sản xanh hóa" - ông Luân nhấn mạnh.

Ngoài ra, các tham luận tại hội thảo cũng chia sẻ những mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, tập trung vào việc tận dụng phụ phẩm để giảm phát thải. Điển hình, trong ngành chế biến tôm - nơi phần lớn sản phẩm được bảo quản và chế biến dưới dạng đông lạnh - phụ phẩm chiếm khoảng 33%-46% khối lượng, bao gồm đầu, nội tạng và vỏ, ước tính lên tới 325.000 tấn/năm tại Việt Nam.

Phụ phẩm tôm chứa nhiều dưỡng chất giá trị như protein, enzyme, lipid, khoáng chất và vitamin. Hiện nhiều nhà máy đã tận dụng phụ phẩm này để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ sản xuất và đời sống, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

VIFEP (NĐT)

Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...