Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm và làm việc với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản
(08/08/2024 12:00:00 SA)
Chiều ngày 05/8/2024, tại Hà
Nội, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã
đến thăm và làm việc với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản. Cùng đi
trong Đoàn có đại diện Lãnh đạo của Cục Thuỷ sản và một số đơn vị có liên
quan.
Ảnh: Bộ trưởng phát biểu, chỉ đạo tại buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo và toàn thể viên chức,
người lao động của Viện, Viện trưởng Nguyễn Thanh Bình chào mừng Đoàn công tác
và báo cáo về một số kết quả, thành tích nổi bật trong công tác nghiên cứu của
Viện những năm gần đây.
Sau khi nghe các báo cáo,
chia sẻ thuận lợi, khó khăn, đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt
của Viện, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đại diện các cơ quan quản lý thuộc Bộ đã ghi
nhận những kết quả, thành tích công tác mà tập thể Viện đạt được, khẳng định Viện đã có những định hướng rất sát thực tế, theo đúng cơ cấu ngành. Đồng thời, gợi mở, chỉ đạo các định hướng và giải pháp nhằm khắc phục
những hạn chế, khó khăn còn tồn tại trong hoạt nghiên cứu của Viện, cũng như định
hướng phát triển Viện trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển hiệu quả,
bền vững của ngành Thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp, phát triển nông
thôn nói chung.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả
trong nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng tập trung nhấn mạnh: Cần thiết phải xây dựng diễn đàn trao đổi chung
cho 05 Viện nghiên cứu lĩnh vực thủy sản thuộc Bộ. Bộ trưởng giao Cục Thủy sản
tổ chức buổi làm việc có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ và các cơ quan quản lý với
các Viện nghiên cứu lĩnh vực thủy sản thuộc Bộ.
Việc xây dựng và trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án Ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường đến năm 2030, định hướng đến 2045 là rất quan trọng, đây là nền tảng cho một
số chính sách của Đảng và nhà nước trong phát triển bền vững ngành thủy sản
trong thời gian tới. Bộ trưởng giao Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phối hợp
với Cục Thủy sản báo cáo Bộ trưởng về các nội dung của Đề án trong thời gian tới.
Viện
cần chú trọng đề xuất, thực hiện các đề án, chương trình, dự án nghiên cứu về
kinh tế thủy sản, thay đổi tư duy kinh tế thị trường, chuyển dịch từ sản xuất
thủy sản sang kinh tế thủy sản; khuyến nghị, đề xuất các chính sách về phát triển
thủy sản bền vững; tiếp tục đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, cộng đồng ngư
dân; chú trọng đến quản lý, phát triển cộng đồng nghề cá; phân tích kinh tế thủy
sản như vấn đề tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản; kinh tế thủy sản
xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải
carbon, khí nhà kính để hướng đến sản xuất thủy sản xanh, sạch hơn, đáp ứng các
yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế…
Các hoạt động dịch vụ tư vấn của Viện trong
các lĩnh vực kinh tế, chính sách, quy hoạch thủy sản là nền tảng tốt cho việc
tham mưu đề xuất chính sách quản lý ngành, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc
Bộ.
Vấn đề phát triển cộng đồng nghề cá là một
yếu tố rất quan trọng trong phát triển thủy sản bền vững và cần phải được lồng
ghép trong mọi vấn đề nghiên cứu và được coi là một trong những yếu tố then chốt
trong phát triển thủy sản. Chú trọng nghiên cứu, đề xuất các vấn đề về lao động
và an sinh xã hội cho lao động trong lĩnh vực thủy sản để đề xuất các chính
sách phát triển lực lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của ngành, tăng năng suất
lao động và thích ứng với biến động của thị trường.
Trong tình hình thực hiện cơ chế tự chủ
về tài chính, Viện cần chú trọng hơn nữa đến cách thức giới thiệu, “tiếp thị” về
năng lực nghiên cứu với các đối tác, doanh nghiệp và cộng đồng, đồng thời tiếp
tục đẩy mạnh đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Viện cần chú ý tăng
cường công tác truyền thông như phát triển trang web của Viện là nơi giới thiệu
về Viện và các hoạt động của Viện.
Tập thể đảng viên, viên chức của Viện phải
giữ vững, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh và trí tuệ tập thể; động viên
và tạo môi trường làm việc năng động, hiệu quả cho các cá nhân thi đua, hoàn
thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, Viện cần chú ý đến công tác phối hợp giữa các đơn
vị thuộc Viện để tận dụng thế mạnh, ưu điểm của từng đơn vị và sức mạnh tổng thể
của toàn Viện trong triển khai các nhiệm vụ được giao.
Chi
ủy, lãnh đạo Viện cần chú ý luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của từng cá nhân, tập
thể các đơn vị thuộc Viện, đặc biệt là các ý kiến đóng góp xây dựng đơn vị,
phát huy tinh thần đoàn kết, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo
và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Viện, góp phần thực hiện tốt các chủ
trương phát triển ngành thủy sản của Đảng, nhà nước và phục vụ, mang lại lợi ích cho nhân dân.
Thay mặt lãnh đao, viên chức, người lao động của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Viện trưởng Nguyễn Thanh Bình cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành cho Viện, đồng thời khẳng
định tập thể Viện sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát triển theo các định
hướng, chỉ đạo của Bộ trưởng đối với các hoạt động của Viện trong thời gian tới.
VIFEP
|