Theo
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm năm nay
sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và dự báo năm
2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD.
Bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Tôm Việt Nam có thế mạnh về thị phần và lợi thế về chất lượng so với các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, tại những thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh và Australia, dù có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu của Việt Nam luôn có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến các sản phẩm chế biến đa dạng, phù hợp với mọi phân khúc thị trường”.
Theo bà Hằng, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng cần chú trọng đảm bảo an toàn cho sản xuất, việc này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng rất cần thiết. Bên cạnh đó, phải theo dõi diễn biến tình hình thị trường, nhu cầu cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh để chủ động tìm bước đi phù hợp với hoàn cảnh, thúc đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn, tiến tới ổn định, phát triển lâu dài.
Để phát triển ngành tôm, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An đề xuất Bộ NN&PTNT: “Các thị trường kiểm soát rất chặt chẽ đối với tôm Việt Nam, vì vậy cần thường xuyên cập nhật các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, kiểm soát vật tư và nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu để phòng tránh dịch bệnh lây lan đối với tôm nuôi trong nước. Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các ứng dụng để nông dân cũng như doanh nghiệp có thể nắm rõ yêu cầu của các thị trường và đề xuất những khó khăn trong quá trình nuôi, qua đó các đơn vị chuyên ngành, nhà khoa học kịp thời thông tin hỗ trợ để tháo gỡ những vướng mắc về giải pháp kỹ thuật”.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài. Việc Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm thì năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Vì vậy phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
“Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn. Dù khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch COVID-19, nông sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 ngành tôm đạt sản lượng 980.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu từ 3,9 đến 4,1 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
VIFEP (CP)