Được tổ chức vào ngày 24 – 25/10/2024 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 150 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên APEC và tập trung thảo luận vào 03 nội dung chính gồm: Thực trạng phát triển, tầm quan trọng, lợi ích và các chính sách liên quan đến nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác; Chia sẻ một số mô hình thực hành tốt về nông nghiệp tuần hoàn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong lĩnh vực nông sản thực phẩm và thủy sản của Việt Nam; Lộ trình và khuyến nghị phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam và các nền kinh tế APEC khác.
Hội thảo chia làm 4 phiên, trong đó, phiên 1 với chủ đề “Tiềm năng của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Khám phá các thách thức trên toàn cầu đối với các phương pháp canh tác hiện tại trong các nền kinh tế APEC và sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, các khái niệm và phương pháp tiếp cận chính của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.
Phiên 2 với chủ đề “Các mô hình kinh doanh tuần hoàn trong nông nghiệp: Bằng chứng từ thực tiễn”. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn của các mô hình kinh tế tuần hoàn trong các nền kinh tế APEC với sự đổi mới và công nghệ nhằm phát triển một nền nông nghiệp đa giá trị.
Phiên 3 với chủ đề “Chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng nhau giới thiệu các khung pháp lý, chiến lược, phương pháp quốc gia và các lựa chọn chính sách hiện có cho hệ thống thực phẩm nông nghiệp trong các nền kinh tế APEC, đồng thời giới thiệu các công cụ quốc tế hỗ trợ các nền kinh tế APEC xác định và triển khai các can thiệp kinh tế tuần hoàn trong thực hành nông nghiệp
Phiên 4 với chủ đề “Tương lai của kinh tế tuần hoàn trong các nền kinh tế APEC”. Tại đây, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận các bước tiếp theo để thúc đẩy tính bền vững trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp và đẩy nhanh việc áp dụng các đổi mới kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – cho biết, khu vực APEC chiếm tới khoảng 60% GDP toàn cầu và hơn 40% thương mại quốc tế. Điều này khẳng định vị thế quan trọng của APEC trong việc định hình xu hướng phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu.
Mục tiêu chính của APEC là thúc đẩy thương mại tự do, đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, tạo ra sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong khu vực. Sự đa dạng của các nền kinh tế tạo nên một đặc trưng riêng biệt của APEC, khi cả hai nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển có thể hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung về tăng trưởng bền vững và bao trùm. Trong tiến trình phát triển APEC luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho các quốc gia học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong phát triển bền vững.
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp tuần hoàn như một nỗ lực để giải quyết các vấn đề về môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững. Hội thảo hôm nay chính là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giới thiệu các sáng kiến, và tìm kiếm các giải pháp hợp tác hiệu quả.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia và đại diện từ nhiều nền kinh tế, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp mới và hiệu quả hơn để gắn kết, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trong các nền kinh tế APEC", ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia hội thảo sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến về lộ trình phù hợp và đề xuất các chính sách nhằm phát triển nông nghiệp tại Việt Nam và các quốc gia thành viên APEC. Ngoài ra, Hội thảo cũng góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên APEC thông qua tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu giao lưu, trao đổi, thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển nông nghiệp tuần hoàn giữa các quốc gia APEC.
VIFEP (CT- Mạnh Cường)