Sử dụng vật liệu ống nhựa HDPE nuôi tôm hùm thay thế lồng, bè truyền thống
(17/12/2020 12:00:00 SA)
Tôm
hùm là loài giáp xác có giá trị về kinh tế cao, được thì trường tiêu dùng ưa thích và là đối tượng đang được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản. Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố tự nhiên ở các tỉnh ven biển miền Trung (từ Quảng
Bình tới Bình Thuận) và đang phát triển
nuôi tập trung chủ yếu tại 02 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Trong 10 năm qua (giai đoạn 2010 - 2019) nghề nuôi tôm hùm Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô số
lượng lồng và sản lượng tôm hùm nuôi. Đến năm 2019 số lượng lồng nuôi tôm hùm đạt
189.186 lồng (tăng bình quân là 18,2%/năm), sản lượng tôm hùm nuôi ước đạt 2.394 tấn (tăng bình
quân 6,2%/năm) (Tổng cục thủy sản, 2019). Nghề
nuôi tôm hùm từng bước phát triển
theo hướng sản xuất hàng hoá, phục vụ cho xuất khẩu, góp phần tạo việc làm,
nâng cao thu nhập cho người nuôi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh
ven biển miền Trung.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên thì một trong những
hạn chế, khó khăn đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả, tiềm năng phát triển nuôi
tôm hùm nước ta hiện nay là công nghệ lồng nuôi. Vật liệu làm lồng nuôi còn
đơn giản, thô sơ và khả năng chống chịu bão kém, trong khi tại các vùng nuôi
tôm hùm hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng bão gió, áp thấp nhiệt đới với tần
suất cao. Vì vậy khi thiên tai xảy ra thiệt hại về tài sản cho người nuôi là rất
lớn trong những năm qua.
HÌnh 1: Lồng, bè nuôi
tôm hùm hiện nay tại vịnh Xuân Đài
(Trung
tâm tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản, 2019)
Kết quả điều tra, khảo sát chi tiết tại vùng nuôi tôm hùm
Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên của Trung tâm tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản
đã thống kê: Hàng năm, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch là
mùa mưa bão, sóng lớn nên các lồng nuôi tôm hùm địa phận phường Xuân Thành phải
kéo lồng di chuyển vào phía trong vịnh. Năm 2009, do ảnh hưởng của cơn bão số 9
(ngày 29-30/9/2009) đã làm thiệt hại
41.860 con tôm hùm ở xã Xuân Phương và cơn bão số 11 gây ra mưa, lũ quét (đêm ngày 02/11/2009) đã làm chết 800.000
con tôm hùm, tổng cộng hai đợt thiên tai làm chết 841.860 con tôm hùm, tương
đương 18.600 lồng, chiếm 70% tổng số lồng nuôi. Năm 2017, cơn bão số 12 đã ảnh
hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản và nuôi thủy sản lồng, bè vùng vịnh
Xuân Đài khiến cho 9.376 lồng nuôi bị vỡ, hư hỏng, thiệt hại 1.155.995 con tôm
hùm và 14.070 cá các loại, ước tính giá trị thiệt hại hàng trăm tỷ.
Để khắc phục và giảm thiểu tác động của thiên tai, đồng
thời khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế phát triển nuôi tôm hùm thì hướng tới
sử dụng chất liệu ống nhựa Polyetylen (HDPE) để làm khung lồng nuôi với đặc điểm
kỹ thuật đặc biệt phù hợp cho sử dụng lồng nuôi tôm hùm là rất cần thiết. Mới
đây, Trung tâm tư vấn và Quy hoạch thủy sản thực hiện gói thầu “Quy hoạch chi tiết mặt nước nuôi thủy sản vịnh
Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”
trong đó có nội dung thiết kế, lựa chọn mẫu lồng bè nuôi tôm hùm sử dụng vật liệu
HDPE đã được địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Hình 2: Minh
họa mẫu lồng HDPE nuôi tôm hùm tại Vịnh Xuân Đài
(Trung
tâm tư vấn và Quy hoạch phát triển thủy sản, 2019)
Hình dạng và kích thước lồng: Lồng nuôi có dạng hình khối với kích thước lồng 4m × 4m, chiều cao lồng từ 1,5-6m tùy thuộc
vào đối tượng nuôi và độ sâu vùng biển, đảm bảo đáy lồng cách đáy biển 1m khi
triều kiệt, bao gồm: Khung lồng, cùm
lồng, lưới lồng, hệ thống neo lồng.
- Khung lồng: Vật liệu nổi ống HDPE làm từ vật liệu PE 100. Ống HDPE xà
trên: đường kính Ø =110mm, độ dày
của thành ống T = 6,6mm, khối lượng của ống W = 2,2kg × m, sức nổi B =
7,3kg × m. Ống HDPE xà
dưới: đường kính Ø =160mm, độ dày của thành ống T = 9,5mm, khối lượng của ống
W = 4,5kg × m, sức nổi B =
15,6kg × m. Sức nổi 1 lồng là: 499,2kg
- Cùm lồng: Là một yếu tố cấu trúc của vòng khung lồng, liên
kết các ống lại với nhau để hình thành vòng khung lồng. Độ bền của cùm lống
quyết định mức độ tin cậy của lồng. Thiết kế của cùm lồng có 2 hoặc 3 vòng ôm
ống nổi chính.
- Lưới lồng: gồm lớp lưới bao quanh và lưới đáy lồng được làm
bằng sợi cước Polyetylen (PE). Lưới lồng sử dụng cỡ mắt dày 2a ≤ 0,8cm.
- Hệ thống neo lồng: Dùng dây sắt, dây dù ... cố định lồng
với các neo trụ.
Với thiết kế lồng nuôi như trên có thể chịu được sức gió từ
cấp 6 trở lên và sóng cao 3m. Chi phí lắp đặt 1 lồng, bè từ 30 triệu đồng đến
50 triệu đồng - mức chi phí tưởng đối lớn so với người nuôi tôm hùm hiện nay
nên hiện nay người nuôi chưa sẵn sàng chuyển đổi. Tuy nhiên, trong điều kiện
bối cảnh diễn biến thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, đồng
thời để thực hiện thành công Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm
2030 tầm nhìn 2045 thì việc chuyển đổi sử dụng vật liệu ống nhựa HDPE nuôi tôm
hùm thay thế lồng, bè truyền thống hiện nay là việc làm quan trọng và cần
thiết.
Ông Vương Văn Bé – đại diện hộ nuôi tôm hùm lâu năm tại vịnh
Xuân Đài cũng chia sẻ băn khoăn và tâm tư nguyện vọng với đoàn khảo sát của
Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch thủy sản năm 2019: “Tôi là một trong những người
nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài rất lâu năm. Chúng tôi – người nuôi tôm hùm biết
và hiểu rằng lồng nuôi tôm hùm hiện nay đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi
ro. Tuy nhiên, do chi phí nắp đặt rẻ và đơn giản hơn vật liệu mới HDPE rất
nhiều nên vẫn được bà con ưu tiên lựa chọn hiện nay. Về lâu dài, nếu được Nhà
nước quan tâm, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu thì có thể chúng tôi sẽ
xem xét để chuyển đổi tùy theo điều kiện khả năng cho phép”.
Nguyễn Thị Lệ
|