Thành phố Bạc Liêu: Tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản
(28/08/2019 12:00:00 SA)
Thành phố Bạc
Liêu có nhiều thế mạnh về phát triển nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. Bên
cạnh lợi thế nằm giáp biển và có cửa biển Nhà Mát, thành phố còn tập trung nhiều
dự án phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Những năm qua,
TP. Bạc Liêu đã đẩy mạnh khuyến khích đầu tư và tập trung phát triển nhiều đối
tượng nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ, cá kèo, cua biển, nhuyễn thể… Đồng
thời thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, quy hoạch vùng nuôi phù hợp với
đặc điểm phát triển thủy sản và điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng sinh thái
trên địa bàn. Đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi gắn với ứng dụng
tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (VietGAP,
GlobalGAP, BMP, CoC, ASC…) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để tăng
năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đặc biệt là thành phố đã xây dựng cơ chế,
chính sách khuyến khích đầu tư gây nuôi các đối tượng thủy sản mới có hiệu quả
kinh tế cao. Ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi
trồng thủy sản, nhất là khu vực nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh. Khuyến
khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất tôm giống chất lượng
cao, sạch bệnh tại các vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của
tỉnh (ở phường Nhà Mát). Xây dựng và phát triển thành phố thành trung tâm sản
xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín ở vùng đồng bằng sông
Cửu Long và cả nước, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Bạc Liêu trở thành
trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Về hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản,
thành phố đã thành lập đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư
trang thiết bị hiện đại để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu
quả khai thác hải sản trên các vùng biển xa (theo Quyết định 48 và Nghị định 67
của Chính phủ), góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Chuyển đổi đối
tượng, mùa vụ, ngư trường theo hướng đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, khai
thác các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, gắn
với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác (mực, tôm, cá...). Qua đó
đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu ổn định, được kiểm soát
chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Để phát huy các thế mạnh và khai thác có hiệu
quả các tiềm năng, lợi thế, thành phố đã tăng cường đầu tư xây dựng và phát
triển hạ tầng phục vụ tốt cho sản xuất. Điển hình là đầu tư hàng trăm tỷ đồng
để xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; xây dựng
khu sản xuất giống thủy sản tập trung; xây dựng hạ tầng dịch vụ khai thác thủy
sản và phòng chống thiên tai (Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão
cho tàu cá, kết hợp với Cảng cá Nhà Mát với quy mô neo đậu 300 chiếc tàu, công
suất dưới 300CV, tổng vốn đầu tư được duyệt hơn 113,81 tỷ đồng). Song song đó,
phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá như xây dựng chợ cá và các vựa thu mua
cá; các trạm xăng dầu; các cửa hàng mua bán ngư lưới cụ, vật tư nghề cá; thành
lập dịch vụ khuân vác, vận chuyển; cơ sở sản xuất nước đá; xây dựng trạm đèn
tín hiệu báo bão ven biển tại cửa biển Nhà Mát.
Với những giải pháp trên, sản lượng nuôi
trồng và khai thác thủy sản của thành phố không ngừng tăng. Nếu năm 2010, sản
lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 34.200 tấn, thì đến năm 2019 đạt
41.970 tấn (trong đó nuôi trồng 21.150 tấn, khai thác thủy sản 19.820 tấn).
Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao có tổng diện tích hơn
720ha với sản lượng 2.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 36 tấn/ha mặt nước.
Với việc không ngừng phát huy thế mạnh, và
khi Khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (xã Hiệp Thành) đưa vào
khai thác sẽ góp phần thu hút thêm nhiều dự án động lực giúp thành phố Bạc Liêu
trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp tôm của tỉnh.
VIFEP (TH)
|