Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia


(13/12/2024 12:00:00 SA)

Đây là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2025, vừa được Quốc hội thông qua.

Luật phân quyền Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch
 không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Điểm mới nổi bật của việc sửa các luật này thể hiện ở sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, tháo gỡ các vướng mắc trước đây. Trong lĩnh vực quy hoạch, Luật phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách phát sinh từ thực tiễn.

Chính phủ cũng được giao quy định chi tiết về nguyên tắc, căn cứ, hồ sơ, quy trình điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn. Việc lấy ý kiến góp ý trong quá trình điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Đồng thời, để giải quyết khó khăn trong thực hiện các dự án khẩn cấp, nhiệm vụ cấp bách làm thay đổi một số nội dung của quy hoạch, trong đó có lĩnh vực điện lực và tài nguyên, môi trường, Luật đã được bổ sung quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn cho các dự án khẩn cấp, cấp bách theo quy định của Chính phủ.

Luật phân cấp Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, bổ sung nội dung phân cấp cho bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia để bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện quy hoạch.

Phân cấp phê duyệt các dự án đầu tư công

Tại Luật Đầu tư công (sửa đổi), quy định cụ thể mức vốn để xác định tiêu chí dự án đầu tư công quan trọng quốc gia là 30.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần hiện nay (10.000 tỷ đồng). Tiêu chí vốn với các dự án nhóm A, B và C tăng 2 lần so với quy định hiện hành.

Dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 240 tỷ đồng; nhóm B đến 4.600 tỷ đồng và nhóm A là dự án ở một số lĩnh vực, có vốn đầu tư trên 4.600 tỷ đồng.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội vẫn quyết định chủ trương với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (vốn 30.000 tỷ đồng). Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng trở lên, do bộ, cơ quan trung ương quản lý.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu tư công (sửa đổi) là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C: Phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C (trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND các cấp). Để bảo đảm tính chặt chẽ, Luật đã bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã giao Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong các trường hợp: 

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Luật quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với dự án đầu tư kinh doanh có một hoặc một số yêu cầu, điều kiện đặc thù về thủ tục đầu tư; thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển; thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư và nội dung hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh hoặc yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 34 của Luật này.

VIFEP (DKVN)

Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...