Thích ứng với Biến đổi khí hậu và tích hợp vào Quy hoạch Nuôi trồng thủy sản


(12/09/2019 12:00:00 SA)

Khí hậu 101

Trái đất đang nóng lên với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử (IPCC 2014). Xu hướng nóng lên rất có thể là do con người gây ra, thông qua việc các nhà máy đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, làm giải phóng khí các bon vào khí quyển (IPCC 2014). Mức độ các bon đi-ô-xít (CO2) hiện tại trong khí quyển đã vượt quá 400 phần triệu (ppm), vượt quá mọi số liệu ghi chép về CO2 (IPCC 2014). CO2 là một phần quan trọng của bầu khí quyển Trái đất, cho phép năng lượng từ mặt trời đi qua trái đất, đồng thời thu nạp một lượng nhiệt bức xạ làm cho trái đất trở thành nơi có thể cư trú được và không bị dao động nhiệt độ lớn. Hiên tại, chúng ta đang thải ra quá nhiều CO2 vào bầu khí quyển, dẫn đến những thay đổi tiềm ẩn trong hệ sinh thái (IPCC 2014). Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), một cơ quan quốc tế tập trung phát triển quan điểm khoa học và khách quan về biến đổi khí hậu, đã sử dụng các mô hình và kịch bản để dự báo các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai. Các kết quả đầu ra của mô hình theo các kịch bản IPCC khác nhau cho thấy sự thay đổi nhiệt độ thực tế thậm chí còn cao hơn các kịch bản dự báo cao nhất (IPCC 2014). Những thay đổi về lượng mưa cũng có khả năng xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu (IPCC 2014).

Tác động đến Đông Nam Á

Xu hướng nóng lên và nhiệt độ ngày càng tăng đã và đang được quan sát tại hầu hết các nước Đông Nam Á (Hijoka và cộng sự, 2014). Sự thay đổi lượng mưa không nhất quán trong khu vực, một số khu vực có lượng mưa hàng năm nhiều hơn trong khi một số khác lại có lượng mưa ít hơn. Sự khan hiếm nước được dự kiến ​​là một thách thức lớn trong khu vực do nhu cầu tăng và quản lý kém (Hijoka và cộng sự, 2014). Tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lương thực và an ninh lương thực sẽ khác nhau với phần lớn các khu vực suy giảm năng suất (Hijoka và cộng sự, 2014). Các hệ thống vùng biển và ven biển đang chịu áp lực gia tăng từ các yếu tố liên quan và không liên quan tới khí hậu cùng với mực nước biển được dự kiến tăng ​​lên sẽ gây ra những tác động đáng kể đến hệ sinh thái ven biển (Hijoka và cộng sự, 2014). Do mực nước biển được dự báo tăng, khoảng 1 triệu người sống tại những vùng ven biển khu vực Đông Nam Á sẽ rất có thể phải đối mặt với hiểm họa lũ lụt. Các hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ gia tăng tác động ở những mức độ khác nhau đến các vấn đề về sức khỏe con người, an ninh, sinh kế và nghèo đói trong khu vực (Hijoka và cộng sự, 2014).

Khả năng thích ứng

Việc phát triển các phương pháp tiếp cận giúp các hệ thống, các loài và con người thích ứng với môi trường thay đổi sẽ rất quan trọng trong việc duy trì các lợi ích của thiên nhiên. Những phương pháp tiếp cận về khả năng thích ứng tốt là những phương pháp có tích hợp khái niệm về tính dễ bị tổn thương, xác định và quản lý được những sự không chắc chắn và xây dựng tính phức tạp trong quá trình ra quyết định (Stein và cộng sự, 2014). Những hành động giúp tăng khả năng chống chịu của các hệ thống tự nhiên trước tác động của biến đổi khí hậu sẽ rất quan trọng đối với hoạt động quản lý thích ứng (Stein và cộng sự, 2014). Các công cụ giúp tăng khả năng chống chịu có thể bao gồm giảm các tác nhân gây áp lực không liên quan tới khí hậu hiện hữu, quản lý hệ thống chức năng, bảo vệ các loài di cư, tăng kết nối môi trường sống và thực hiện các kế hoạch phục hồi và quản lý chủ động (Stein và cộng sự, 2014). Việc xác định các khu vực hoặc loài dễ bị tổn thương giúp nhà quản lý xác định được các khu vực/loài ưu tiên cho hoạt động thích ứng (Stein và cộng sự, 2014). Tính dễ bị tổn thương được định nghĩa là sự kết hợp của các tác động tiềm tàng đến hệ thống và khả năng thích ứng của hệ thống (Stein và cộng sự, 2014). Tác động tiềm tàng là sự kết hợp giữa thời gian một hệ thống/loài tiếp xúc với tác nhân gây áp lực và độ nhạy cảm của hệ thống/loài đối với tác nhân gây áp lực (Stein và cộng sự, 2014). Hầu hết các nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương đều cung cấp những thông tin hữu ích về các tác động tiềm tàng, tuy nhiên những thông tin về khả năng thích ứng còn hạn chế (Thompson và cộng sự, 2015).

Khí hậu và Nuôi trồng thủy sản

Các vùng đất ngập nước ven biển và thảm cỏ biển chứa nhiều các bon trên một đơn vị diện tích hơn so với hầu hết các hệ sinh thái trên đất liền (Laffoley và Grimsditch, 2009). Các cơ sở nuôi trồng thủy sản thải ra lượng các bon nhiều hơn so với các loài cá sinh trưởng tự nhiên và các loại thực phẩm khác (Hall và cộng sự, 2011). Tuy nhiên, sự đóng góp của nghề cá và nuôi trồng thủy sản vào hiệu ứng khí nhà kính toàn cầu và chuỗi cung ứng của chúng chưa được nghiên cứu cụ thể, mặc dù lượng phát thải của chúng chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng lượng phát thải toàn cầu (Cochrane và cộng sự, 2011). Các sinh vật thủy sinh được nuôi trồng không phát thải khí mê-tan (một loại khí nhà kính toàn cầu), nhưng một số bộ phận của hệ thống nuôi trồng thủy sản có thể phát thải GHG (Hall và cộng sự, 2011). Hoạt động sản xuất thủy sản trên toàn cầu sử dụng ít năng lượng trực tiếp, nhưng nuôi trồng thủy sản có thể phát thải gián tiếp GHG thông qua sử dụng các nguyên liệu đầu vào như thức ăn và phân bón vô cơ (Hall và cộng sự, 2011). Việc chuyển đổi đất cho nuôi trồng thủy sản cũng có thể gây phát thải GHG do những thay đổi trong quản lý đất, nước và chất thải (Hall và cộng sự, 2011). Việc vận chuyển các sản phẩm nuôi trồng thủy sản cũng làm phát thải GHG (Hall và cộng sự, 2011). Tóm lại, ước tính lượng CO2 phát thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản chiếm khoảng 1% tổng lượng CO2 toàn cầu và khoảng 7% tổng lượng CO2 trong nông nghiệp (Hall và cộng sự, 2011). Một số hệ thống nuôi trồng thủy sản sử dụng lượng năng lượng đáng kể như nuôi cá chình theo phương pháp nuôi tuần hoàn nước ấm và nuôi tôm siêu thâm canh có sử dụng sục khí và máy bơm đã góp phần tăng đáng kể lượng phát thải CO2 (Hall và cộng sự, 2011). Tùy thuộc vào loại hệ thống được áp dụng, các tác động góp phần tăng phát thải có thể bao gồm việc thay đổi đất, thức ăn, chuẩn bị ao nuôi và sử dụng máy bơm (Hall và cộng sự, 2011). Các tác động của khí hậu đến các hệ thống nuôi trồng thủy sản khác nhau có thể làm giảm tỷ lệ sống, dẫn đến giảm năng suất (Hall và cộng sự, 2011).

Thích ứng và Giảm thiểu

Trong khuôn khổ dễ bị tổn thương, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để giúp các hệ thống nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tiên, giảm bớt sự tiếp xúc của hệ thống trước các tác động của khí hậu bằng cách thực hiện các biện pháp như nâng kè ao, nâng cấp máy bơm và các cống thoát, duy trì môi trường sống tự nhiên hoặc di chuyển đến các khu vực thuận lợi hơn (UN-FAO, 2013). Thứ hai, giảm độ nhạy cảm của hệ thống, nuôi các loài có khả năng chống chịu tốt hơn, giảm sự phụ thuộc vào giống tự nhiên, bột cá, dầu cá và đa dạng hóa sản phẩm cũng như sinh kế (UN-FAO, 2013). Cuối cùng, tăng khả năng thích ứng của hệ thống thông qua việc dự báo thời tiết tốt hơn, cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh và các hiệp hội cũng như mạng lưới cơ sở nuôi trồng thủy sản tuân thủ các quy trình và thực hành quản lý tốt (UN-FAO, 2013). Công nghệ sinh học có thể cung cấp một số giải pháp trong tương lai bao gồm các giống cải tiến và các loài không có mầm bệnh/có khả năng chống chịu với mầm bệnh (UN-FAO, 2013). Tuy nhiên, nhiều công nghệ vẫn còn tương đối đắt tiền và thường không phù hợp với khả năng của người nuôi tại các vùng nông thôn (UN-FAO, 2013).

Thông điệp chính

Khu vực Đông Nam Á phụ thuộc lớn vào các hệ thống thủy sinh để đảm bảo an ninh lương thực và việc làm (Taylor và cộng sự, 2016). Căng thẳng khí hậu đang diễn ra tại đây, với mực nước biển dâng, nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa và sự dịch chuyển loài (IPCC, 2014). Biến đổi khí hậu sẽ gây ra sự gián đoạn cho các hệ thống thủy sinh. Để giảm thiểu rủi ro các tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta cần xác định các hệ thống dễ bị tổn thương và xây dựng các chiến lược thích ứng. Các tác động tiêu cực được dự kiến sẽ xảy ra với hoạt động nuôi trồng thủy sản và các ngành nông nghiệp liên quan khác (DeSilva và Soto, 2009; UN-FAO, 2013). Tác động của biến đổi khí hậu sẽ được giải quyết thông qua các phương pháp thích ứng và giảm thiểu. Trong ngắn hạn, các tác nhân không liên quan tới khí hậu có tác động lớn hơn (UN-FAO, 2013). Các thực hành sản xuất yếu kém hiện nay trong nuôi trồng thủy sản làm suy yếu sức khỏe của hệ thống do làm giảm khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu (UN-FAO, 2013). Sự linh hoạt trong quản lý hệ thống nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết vì hiện không có bất cứ chỉ dẫn nào (UN-FAO, 2013). Tác động của nuôi trồng thủy sản là tương đối nhỏ, nhưng việc thay đổi vẫn có ích, chẳng hạn như chuyển đổi sang áp dụng các phương pháp tiết kiệm năng lượng, loại bỏ các thực hành làm giảm khả năng cô lập các bon và tìm kiếm sự phối hợp với các lĩnh vực sử dụng nước khác (UN-FAO, 2013). Xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng các phương pháp tiếp cận thông minh với biến đổi khí hậu có khả năng giúp giảm thiểu các tác động tiềm tàng từ khí hậu (UN-FAO, 2013).

 

Hướng dẫn sử dụng dữ liệu và dự báo khí hậu

Dữ liệu và dự báo khí hậu là các hợp phần quan trọng để lập kế hoạch thích ứng, tuy nhiên sử dụng các dữ liệu và dự báo này thích hợp là chìa khóa để đưa ra các quyết định sáng suốt. Đầu tiên, kết hợp sự không chắc chắn khi ước tính những thay đổi trong tương lai, tức là sử dụng dự báo cho nhiều dự đoán trong tương lai và thừa nhận các kịch bản bao gồm một loạt các kết quả có thể xảy ra (IPCC, 2014). Không tính trung bình trên các kịch bản hoặc gắn khả năng cho kết quả của kịch bản. Thứ hai, không phải tất cả các mô hình tuần hoàn chung ở quy mô toàn cầu đều như nhau và đại diện cho các tác nhân khác nhau của các hệ thống khí hậu (Stoner và cộng sự, 2009). Khoảng 1/3 mô hình tương đối tốt ở tất cả các khu vực và khoảng 1/3 mô hình tương đối kém ở tất cả các khu vực (Stoner và cộng sự, 2009). Khi chọn các mô hình để sử dụng, hãy chọn nhiều mô hình và xác định tính trung bình giữa các mô hình, đồng thời chống lại sự cám dỗ để xác định mô hình tốt nhất và loại bỏ các mô hình không tốt ra khỏi nhóm (IPCC, 2014). Cần lưu ý rằng không thể dự đoán được những dao động tự nhiên của hệ thống khí hậu nhưng có thể xác định xu hướng. Cuối cùng, cần thận trọng khi thu hẹp quy mô, không phải tất cả đầu ra của mô hình được thu hẹp quy mô đều được tạo ra như nhau, hãy thận trọng về việc lựa chọn thu hẹp và mục đích sử dụng để đảm bảo đáp ứng quy mô và phạm vi của kế hoạch thích ứng (Stoner và cộng sự, 2009).


VIFEP  (TH)

 

 

Xem thêm >>

Tin tức
 Chuyển đổi xanh: Hướng đi bền vững của ngành thủy sản   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản mang về hơn 8,3 tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ đô/tháng   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp để giữ vững mục tiêu tăng trưởng   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu cá tra thu về gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Đón sóng từ thị trường, xuất khẩu thủy sản cần vượt rào cản để bứt phá   (27/09/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản trước cơ hội và thách thức lớn   (19/09/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...