Trang chủ   >  

Thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước: Nhiều kết quả phấn khởi


(27/04/2022 12:00:00 SA)

Với quyết tâm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, từ năm 2020 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án này và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án. Qua 2 năm triển khai thực hiện, ngành tôm tỉnh nhà đã đạt được những kết quả quan trọng và tạo nên động lực, tiền đề để Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam: Giảm mạnh công suất chế  biến thủy sản chỉ còn khoảng 30-40%

Ảnh minh họa.

KHÔNG NGỪNG TĂNG TRƯỞNG

Từ khi triển khai Đề án đến nay, sản lượng tôm nuôi trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đơn cử như năm 2021, sản lượng nuôi trồng đạt 295.881 tấn và tăng 11,5% so với năm 2019. Cùng với đó, Bạc Liêu cũng đã đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững như: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm - lúa…

Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (NTSTCƯDCNC) đã có sự phát triển nhanh so với năm 2019. Qua rà soát thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh (tăng 8 công ty, 326 hộ so với năm 2019) với diện tích 3.905ha, tăng 44,6% so với kế hoạch, tăng 290,1% so với năm 2019. Điểm nổi bật của mô hình là tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm. Hiện nay, mô hình NTSTCƯDCNC cho năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.

Ngoài ra, để đẩy mạnh nhân rộng phát triển mô hình này, Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ tư vấn phát triển mô hình NTSTCƯDCNC, ban hành quy trình kỹ thuật và định mức đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham vấn trong quá trình đầu tư và phát triển mô hình trên địa bàn tỉnh.

Về giám sát dịch bệnh thủy sản, hằng năm Bạc Liêu đều thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch thủy sản trên địa bàn. Riêng từ năm 2017 đến nay, tỉnh triển khai kế hoạch giám sát an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu, trong đó hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu (kể cả vùng đệm) xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh (thu mẫu xét nghiệm, kiểm tra, đánh giá, công nhận...) theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới, nhằm sớm được công nhận vùng nuôi đạt chuẩn an toàn dịch bệnh để có thể xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc và thị trường các nước…

Một trong những kết quả đáng phấn khởi đạt được từ Đề án chính là các mô hình NTSTCƯDCNC. Điểm nổi bật của mô hình là ngoài tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm, còn hình thành nên những doanh nghiệp đầu tàu về nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay, Bạc Liêu có 4 doanh nghiệp (DN) được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 DN đã nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận (ngành Nông nghiệp đang thẩm định hồ sơ) và 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản.

Về chế biến xuất khẩu, hiện Bạc Liêu có 45 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 209.700 tấn/năm. Năm 2021, sản phẩm thủy sản xuất khẩu là 73.790 tấn, đạt 87,8% so với kế hoạch, giảm 16,6% so với năm 2019 (trong đó tôm đông 71.290 tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 776,14 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2019 (trong đó tôm đông 755,49 triệu USD).

THU HÚT NHIỀU NGUỒN LỰC

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và thu hút nhiều nguồn lực trong thực hiện Đề án Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Cụ thể, thu hút vốn đầu tư từ ngoài nhà nước như: Ngân hàng Thế giới (WB), vốn ADB, GIZ... để phát triển thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ chi phí tư vấn, đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, công tác khuyến nông, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm theo quy định của Nghị định số 83/2018/NĐ-CP và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ... Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản đối tượng chủ lực (gọi tắt là mã số cơ sở nuôi). Đến nay, số cơ sở được cấp giấy xác nhận là 672 cơ sở, với tổng diện tích 889ha (3.385 ao).

Về phát triển kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất chuỗi giá trị bền vững, Bạc Liêu đã thu hút được nhiều công ty tham gia liên kết, gồm: Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Thiên Phú, Công ty CP Tôm Miền Nam, Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long. Hiện các công ty này đang liên kết sản xuất, tiêu thụ tôm với 8 hợp tác xã (HTX), 2 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 4.982ha. Ngoài ra, các công ty còn ký hợp đồng tiêu thụ tôm với HTX Thành Công 1, HTX Thành Đạt, HTX công nghệ cao Đông Hải, HTX Mỹ Điền, HTX Tiền Phong, HTX Hải Đông, HTX tôm cua giống Gành Hào; liên kết cung ứng đầu vào (tôm giống, vi sinh, khoáng chất...) cho nhiều HTX trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi trong thực hiện Đề án, thời gian qua cũng còn tồn tại một số khó khăn, bất cập. Đó là nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án tương đối lớn, trong khi nguồn lực đầu tư của tỉnh có giới hạn và các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính đột phá, không hợp lý, thiếu tính khả thi nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ; hình thức tổ chức sản xuất hợp tác, HTX, kinh tế trang trại, DN chậm phát triển, hoạt động kém hiệu quả do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp… Đây là những vấn đề cần được giải quyết thỏa đáng để Bạc Liêu sớm trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước như kế hoạch đã đề ra.

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, từ nay đến năm 2025 cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và có hiệu quả; Triển khai, sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đầu tư phát triển nông nghiệp; Nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật mô hình nuôi tôm; Tạo điều kiện cho hộ gia đình có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại. Khuyến khích liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hình thức hợp tác (HTX, trang trại) để thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu vật tư thủy sản phục vụ sản xuất; tăng cường công tác thanh - kiểm tra để hạn chế tình trạng giống, thức ăn, thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng lưu thông, mua bán trên địa bàn gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất; đồng thời thông báo các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Cùng với đó là tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

VIFEP (BL)

Xem thêm >>

Tin tức
 Năm 2025, ngành thuỷ sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng   (10/01/2025 12:00:00 SA)
 4 cơ hội lớn để thuỷ sản vượt mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong 2025   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu mới   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản năm 2025   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Giải pháp nào để xuất khẩu thuỷ sản không 'loanh quanh' mức 10 tỷ USD?   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...