Trang chủ   >  

Cấp bách gỡ khó cho ngành cá tra


(25/05/2020 12:00:00 SA)

Đã nhiều tháng qua, giá cá tra ở vùng ĐBSCL dao động mức thấp chỉ 18.000-19.000 đồng/kg khiến hàng loạt hộ nuôi thua lỗ; trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng lao đao bởi thị trường gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.




Chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long phục vụ xuất khẩu.

Doanh nghiệp và người nuôi khốn đốn

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành hàng, trong đó cá tra cũng không ngoại lệ. Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm 2020, diện tích thả nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt gần 3.907ha (bằng 95,43% so với cùng kỳ 2019); sản lượng ước đạt 322.364 tấn (bằng 88,15% so với cùng kỳ năm 2019); giá cá tra thương phẩm hiện chỉ còn khoảng 18.000-19.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so chi phí giá thành. Đối với xuất khẩu, tính đến hết tháng 3-2020, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu đạt 334 triệu USD, giảm tới 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Một trong những nguyên nhân lớn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tổng cục Thủy sản cho rằng, nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Sự sụt giảm quá nhanh khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào những thị trường này gặp khó khăn; từ đó tác động tới giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm xuống mức thấp. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lo lắng: Giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 kéo dài đến tận hôm nay khiến người nuôi lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg; vì vậy có rất nhiều hộ đã “treo ao” bởi không còn khả năng cầm cự. Điều đáng lo không kém là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu ì ạch. Thế là nhiều doanh nghiệp chế biến đang “ôm” lượng lớn cá tra tồn kho mà chưa thể xuất được. Có doanh nghiệp đã đầy kho và không còn nơi chứa cá tra buộc phải cấp tốc xây kho mới, nhưng nguồn vốn thiếu hụt…

Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Việt, bộc bạch: “Ngành cá tra đang trong giai đoạn khó từ trong nước lẫn xuất khẩu, nhưng Nam Việt vẫn nỗ lực duy trì sản xuất nhằm giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân, không để ai nghỉ việc. Tuy nhiên, nếu thị trường xuất khẩu còn ảm đạm kéo dài thì nhiều doanh nghiệp sẽ đuối sức”.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), cho rằng người nuôi cá tra ở địa phương đang gặp khó về đầu ra và giá cả. Với giá cá tra hiện tại thì người nuôi cầm chắc lỗ từ 3.000 đồng/kg. Hiện tại, có nhiều hộ nuôi cá tra chọn giải pháp là cắt cử thức ăn để giảm chi phí đầu tư và không để cá quá lứa nhằm chờ giá lên rồi mới tính tiếp. Do giá cá tra giảm mạnh kéo dài nên đã có nhiều hộ nuôi cá trong HTX phải treo ao vì không còn vốn để tái đầu tư, nếu nuôi tiếp thì cũng không có lợi nhuận nên tìm phương án sản xuất khác. Ông Phong cho rằng, nếu không có giải pháp để vực dậy ngành nuôi cá tra thì nhiều người nuôi và doanh nghiệp sẽ điêu đứng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho rằng thị trường xuất khẩu cá tra gần đây giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó làm cho lượng hàng bị ùn ứ, đối tác hạn chế đặt hàng nên giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ. Do nguồn cung cho xuất khẩu bị hạn chế kéo theo việc thu mua cá tra nguyên liệu trong dân sẽ chậm lại làm cho thị trường tiêu thụ mặt hàng này gặp khó khăn. Trong khi lượng tiêu thụ cá tra nội địa thì không đáng kể, chủ yếu là phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho rằng cần phải phát triển đồng bộ, toàn diện các vùng, khu vực nuôi thủy sản phù hợp, các vùng nuôi thâm canh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Thực hiện nuôi cá tra theo kế hoạch, áp dụng các quy trình nuôi tiêu chuẩn vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tiếp tục tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất. Tăng cường công tác quản lý các nguồn thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường. Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác để duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Khôi phục lại thị trường

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết nhanh lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp ở ĐBSCL, nếu không gỡ sớm thì nhiều diện tích cá tra sắp thu hoạch trong thời gian tới tiếp tục khó bán, dù giá thấp. Làm được việc này cần triển khai nhiều giải pháp thị trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chúng ta cần khảo sát đánh giá lại thị trường xuất khẩu hiện nay. Thời gian qua thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 30-33% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam thì những ngày tới sẽ phục hồi ra sao. Đối với thị trường Mỹ, châu Âu… dịch Covid-19 còn phức tạp, do đó cần có chiến lược để đưa sản phẩm vào các thị trường này với sản lượng phù hợp. Ngoài ra, cần đa dạng thị trường tiêu thụ để giảm rủi ro.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong tháng 5 và tháng 6-2020, có thể tập trung vào xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc; từ tháng 6, tháng 7 trở đi có thể tiếp cận, khôi phục lại thị trường châu Âu. Đối với thị trường Nhật Bản cũng rất yêu thích sản phẩm cá tra, vấn đề là chúng ta tăng cường chế biến sâu, sản phẩm chất lượng. Đồng thời, sẽ có chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga trong thời gian tới. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong tháng 6, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan mời những tập đoàn bán lẻ lớn ở Việt Nam ngồi lại, cùng nhau bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cá tra ở thị trường nội địa; chỉ cần nội địa tiêu thụ được từ 10-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu.

Các nhà chuyên môn nhìn nhận, dựa trên số liệu các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 5 năm gần đây thì dự báo thời gian tới thị trường Trung Quốc, Mỹ và EU vẫn là những thị trường tiêu thụ quan trọng của cá tra Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng giá trị. Mặc dù liên tục có nhiều biến động, tuy nhiên 3 thị trường này chứng tỏ sự ổn định khá cao về sản lượng và giá trị. Cần lưu ý, chất lượng và các yêu cầu về an toàn thực phẩm vào các thị trường này ngày càng khắt khe; song, cá tra Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bởi hiện nay các doanh nghiệp đủ khả năng đáp ứng cho những thị trường khó tính.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận nếu chúng ta làm tốt công tác thị trường và một số giải pháp khác thì dự báo khả năng sang quý III/2020 tình hình cá tra “sáng sủa” trở lại. Tuy nhiên, về lâu dài cần có chiến lược phát triển bền vững, bởi hàng chục năm qua ngành hàng cá tra dù đóng vai trò chiến lược của các tỉnh ĐBSCL trong tăng trưởng kinh tế, nhưng giá cá luôn biến động thất thường, không ổn định. Có lúc giá cá tăng quá cao thì doanh nghiệp khó thu mua, còn khi giá quá thấp sẽ khiến người nuôi lỗ. Vấn đề là cần giải pháp căn cơ để tạo sự ổn định trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Điều này ngành chức năng cần có chiến lược dự báo thị trường trong ngắn hạn và dài hạn hợp lý; quy hoạch và quản lý chặt vùng nuôi về diện tích, sản lượng; đầu tư con giống để nâng chất lượng cá tra thương phẩm…

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản cả nước đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng 5,3% (cá tra đạt 1,6 triệu tấn, tăng 5,0%; tôm sú đạt 283,9 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm thẻ đạt 594 nghìn tấn, tăng 8,5%).

VIFEP (HG)


Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...