Trang chủ   >  

Xuất khẩu nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19: Ngành thủy sản đa dạng hóa thị trường xuất khẩu


(02/03/2020 12:00:00 SA)

Ðến cuối tháng 2, dịch Covid-19 đã lây lan ra hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhất là với thị trường Trung Quốc.

Thị trường xuất khẩu thủy sản khá đa dạng với các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
cho nên ít bị tác động bởi tình hình dịch Covid-19.

Khó khăn chồng chất

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2019, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng dương tốt nhất trong nhóm sáu thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 542,9 triệu USD, tăng 10,3% so năm 2018. Tuy nhiên, quý I-2020, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc dự kiến giảm do tác động của dịch Covid-19. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN), các đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc tạm thời chưa thể thực hiện do nhà nhập khẩu thông báo lùi thời gian giao hàng, dẫn đến chi phí lưu kho của DN tăng. Trên thị trường thế giới, giá tôm thời gian tới sẽ giảm vì nguồn cung tăng mạnh. Hàng của các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc như Ê-cu-a-đo, Ấn Ðộ, Thái-lan cũng đang ùn ứ tại cảng của Trung Quốc mà chưa được thông quan. Nhiều tàu hiện không thể cập cảng ở Trung Quốc do việc đóng và bốc dỡ hàng hóa diễn ra chậm hoặc không hoạt động. Các nước này cũng sốt sắng tìm thị trường thay thế như Mỹ, EU.

Với mặt hàng cá tra, năm 2019, Trung Quốc là thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu vào nước này đạt 622,7 triệu USD, tăng 28,8% so với năm trước. Ðây cũng là thị trường trọng tâm của hơn 125 DN, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất, chế biến cá tra Việt Nam. Với sự tăng trưởng ổn định, giá tốt, nhiều phân khúc thị trường và hàng hóa nhập khẩu đa dạng, năm 2020 nhiều DN chế biến cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường chính. Tuy nhiên, từ tháng 1-2020, sau khi dịch Covid-19 lây lan, nhiều chuỗi nhà hàng Fastfood hay Takeaway, nhà hàng ẩm thực đã tạm đóng cửa, chợ biên giới cũng mở chậm. Starbucks đã tuyên bố đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng tại Trung Quốc và Yum China - một tên tuổi lớn đang sở hữu các thương hiệu Pizza Hut, KFC và Taco Bell tại Trung Quốc với 9.200 nhà hàng cũng ngưng bán tại hơn 30% số nhà hàng vì dịch bệnh. Ðơn hàng bị chậm trễ hoặc không ký thêm được hợp đồng mới, mọi hoạt động thương mại đang bị tạm dừng, sản lượng cá tra nguyên liệu quá cỡ tăng khiến nhiều DN đang phải gấp rút thu hoạch, chế biến. Hiện, một số nhà máy chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long cho công nhân tạm nghỉ việc do đơn hàng giảm đầu năm.

Với mặt hàng cá ngừ, Trung Quốc đang là một trong tám thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam; xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2019 tăng gần 4%, đạt gần 15 triệu USD. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 1-2020 đến nay, việc hạn chế xuất nhập khẩu với Trung Quốc của Chính phủ Trung Quốc đã khiến cho các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này đang bị chậm trễ; chi phí sản xuất, kinh doanh tăng do phải tăng lưu kho, tồn kho.

Dịch Covid-19 bùng phát cũng làm việc vận chuyển quốc tế ra các thị trường bị xáo trộn. Các hãng tàu không nhận các đơn hàng cá ngừ chuyển tải qua Trung Quốc, một số hãng ngừng cung cấp công-ten-nơ đến Trung Quốc. Một số thị trường lớn như Nhật Bản yêu cầu không đưa hàng sang Trung Quốc trước khi sang nước họ. Ðiều này đã khiến DN phải tìm kiếm các nhà vận tải khác, các tuyến vận tải khác, kết quả là chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng làm giảm khả năng cạnh tranh.

Tìm kiếm thị trường mới

Giữa tháng 2-2020, tình trạng nêu trên đã được cải thiện đáng kể. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ðạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Ðàng (GODACO) tại Tiền Giang cho biết: Sau Tết Nguyên đán, tốc độ xuất khẩu thủy sản của các DN sang Trung Quốc chậm lại. Các DN thủy sản đã tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ. Thí dụ với mặt hàng cá, các DN đã xuất khẩu đến khoảng 250 quốc gia, riêng sản phẩm của GODACO cũng có mặt trên 70 thị trường khác nhau. Do vậy, hiện nay, riêng thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, các thị trường khác vẫn được DN xuất khẩu bình thường. Ðây là kinh nghiệm cho các DN trong việc tính toán cơ cấu thị trường tiêu thụ và hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, phân bổ thị trường một cách hợp lý hơn. Các DN đang kỳ vọng sau đợt dịch, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trưởng cao hơn do nhu cầu tiêu thụ rất lớn và khách hàng đang chờ đợi hàng thủy sản của Việt Nam.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Ðoàn Văn Phương nhận định: Thị trường xuất khẩu thủy sản khá đa dạng cho nên ít bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong tình huống có tắc nghẽn hàng hóa xảy ra, DN cũng sẵn sàng các kho và phương tiện cấp đông trữ được trong thời gian dài cho nên chỉ tốn kém thêm ít chi phí.

Tại tỉnh Bến Tre, kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 157 triệu USD, tăng 1,04% so cùng kỳ năm trước, trong đó, các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của tỉnh, gồm: Mực, tôm, nghêu, cá tra... Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre Châu Văn Bình cho biết: Xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% cho nên không bị ảnh hưởng nhiều khi dịch Covid-19 xảy ra tại Trung Quốc. Hiện các thị trường chính của các DN trong tỉnh là Mỹ, Thái-lan, Nhật Bản, Pháp...

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, Sở Công thương tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội nghị với các đơn vị, DN xuất khẩu trong tỉnh. Hiện, tỉnh đang tổ chức đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Ðồng thời, đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng nông sản vào tiêu thụ tại các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn ở trong nước...

Theo dự báo của Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), trước mắt DN xuất khẩu thủy sản vẫn có thể nhận được hợp đồng mới, song số lượng sẽ giảm. Nhìn chung, tác động của dịch Covid-19 đến xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm chưa quá trầm trọng, vì thông thường, sớm nhất cũng phải sau tháng 3, tháng 4 hằng năm, các đơn hàng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc mới bắt đầu tăng lên.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, DN cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất một cách kịp thời, thí dụ như: Chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp thay vì hàng tươi sống.

VIFEP (ND)

Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...