Trang chủ   >  

Hội thảo quốc gia về phát triển nuôi trồng thủy sản biển bền vững


(10/08/2019 12:00:00 SA)

Ngày 8/8/2019, tại Hải Phòng, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam”.

Description: National workshop on sustainable development of marine aquaculture

Trước đó, nhận sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hiện Chiến lược đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để chuẩn bị triển khai Chiến lược Phát triển Nuôi biển và thúc đẩy phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp (theo tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam” với mục đích trao đổi kinh nghiệm thực tế của các cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế nhằm thu thập các ý kiến cũng như các kiến nghị phục vụ cho việc xây dựng Chính sách Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có các lãnh đạo là đại diện của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Cục Quản lý Khai thác Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Trung tâm Phát triển Nghề cá Vịnh Bắc Bộ (Viện Nghiên cứu Hải sản), Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương… Cùng tham dự còn có các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và các tổ chức/cá nhân nước ngoài (như: Công ty Cổ phần Công nghệ Nuôi biển, Eco Aquaculture Vietnam, VCCI, IDH, Reecotech, Soy-fed fish, Maritec, Steinsvik).

Tại Hội thảo, gần 20 báo cáo tham luận đã được trình bày ngắn gọn, súc tích. Các vấn đề rất đa dạng (được nhìn nhận từ nhiều phía) đã được trình bày bởi những cơ quan, tổ chức/cá nhân có tâm huyết với ngành Thủy sản. Đã có nhiều vấn đề được các đại biểu cùng bàn bạc, thảo luận thẳng thắn nhằm hướng đến Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam (như: Nuôi biển trong quy hoạch không gian biển quốc gia; Chương trình Nuôi trồng thủy sản của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Việt Nam giai đoạn 2019-2020 và Chiến lược 2021-2025). Đặc biệt, đối với mô hình nuôi biển công nghiệp, một đại diện của Hoa Kỳ đã trình bày “Xu hướng phát triển nuôi biển toàn cầu, tư duy và khuyến nghị cho tương lai”. Ngoài ra, còn có các bài tham luận liên quan đến các vấn đề: Đổi mới công nghệ nuôi hàu; Cải tiến phương pháp trồng rong biển để tăng năng suất, hướng đến canh tác xa bờ; Công nghệ phục vụ nuôi biển xa bờ…


Các đại biểu đã nhận định, để phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp thì ngoài những vấn đề đã đề cập trên, Việt Nam cần phải tập trung Xây dựng chính sách và thể chế; Đánh giá sức tải môi trường biển; Quy hoạch Nuôi biển ở cấp tỉnh và liên tỉnh; Quản lý bố mẹ và Bảo tồn quỹ gen động vật biển; Nâng cao chất lượng giống hải sản phục vụ nuôi biển; Tự động hóa trong thủy sản; Sản xuất thức ăn cho ấu trùng tôm, cá; Ứng dụng công nghệ RAS cho sản xuất giống cá biển; Giám sát môi trường hải văn và lồng bè trong nuôi biển; Tổ chức đào tạo nghề cho ngành Nuôi biển công nghiệp; Có giải pháp cảnh báo và quản lý an ninh, an toàn.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao Tiềm năng nuôi biển của Việt Nam; đồng thời cùng nhìn nhận những thách thức của nghề Nuôi biển, như: Thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia; Thiếu chính sách ưu tiên và khuyến khích đầu tư cho nghề Nuôi biển; Hầu hết các trại nuôi đều là quy mô nhỏ; Công nghệ lạc hậu; Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém; Rủi ro ô nhiễm môi trường cao; Liên kết chuỗi giá trị yếu; Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn phụ thuộc vào bên trung gian nhỏ lẻ... Tuy nhiên, không né tránh, chấp nhận đối diện với các thách thức chính là cách để ngành Thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn để sản xuất nuôi biển hiệu quả.

Đối với “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hội thảo cùng nhất trí “Doanh nghiệp” phải là “chủ thể” phát triển nuôi biển. Đối với lĩnh vực công nghệ, sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp, Việt Nam cần tiến tới thực hiện theo phương thức Tích hợp đa ngành để các ngành có thể tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, gồm: các ngành Nuôi biển - Dầu khí - Du lịch - Đóng tàu - Năng lượng - Quốc phòng An ninh.

Hiện “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”đã được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để đạt được các chỉ tiêu đã đặt ra trong Chiến lược này (sản lượng nuôi biển đạt 1,6 triệu tấn với giá trị xuất khẩu hải sản nuôi là 1 tỷ USD năm 2020; và sản lượng nuôi biển đạt 1,75 triệu tấn với giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt từ 4-6 tỷ USD năm 2030) trước mắt, ngành Thủy sản cần Tổ chức điều tra hiện trạng nuôi biển của Việt Nam; Xây dựng và thực hiện Chương trình đào tạo nhân lực nuôi biển; Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực; Phát triển thị trường và Xây dựng thương hiệu Thủy sản Việt Nam.

Tại Hội thảo, một số đại biểu đã đặt các câu hỏi với lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) sau khi nghe đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản trình bày những nội dung chính của “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tất cả các câu hỏi của đại biểu đều đã nhận được lời giải đáp thỏa đáng.

Hội thảo quốc gia “Phát triển bền vững Nuôi biển công nghiệp Việt Nam” nhấn mạnh, trong hoạt động nuôi biển, phải chú trọng các vấn đề Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, Đào tạo nhân lực chất lượng cao, Xây dựng chuỗi giá trị (trong đó, lấy “doanh nghiệp” làm nòng cốt); đặc biệt phải chú trọng Bảo vệ môi trường, hướng đến nghề Nuôi sinh thái, thân thiện với môi trường biển.


VIFEP (TCTS)

 

Xem thêm >>

Tin tức
 Năm 2025, ngành thuỷ sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng   (10/01/2025 12:00:00 SA)
 4 cơ hội lớn để thuỷ sản vượt mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong 2025   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu mới   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản năm 2025   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Giải pháp nào để xuất khẩu thuỷ sản không 'loanh quanh' mức 10 tỷ USD?   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...