Trang chủ   >  

Xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn nếu để lỡ cơ hội


(10/07/2023 12:00:00 SA)

Ngay bây giờ, nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, để lỡ cơ hội thì có thể phải 2 - 3 năm nữa Việt Nam mới có thể gỡ thẻ vàng IUU. Kéo theo đó, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn và đời sống ngư dân rất vất vả.

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới tháng 10 là không để tàu cávi phạm vùng biển nước ngoài. Nguồn: ITN

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới tháng 10 là không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nhật ký khai thác: 10 tàu toàn chữ giống nhau

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Dương Văn Cường cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 14 vụ vi phạm quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Cuối tháng 6 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã đi kiểm tra tại Kiên Giang và Cà Mau; qua kiểm tra cho thấy, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cơ bản đạt 100%; việc quản lý đội tàu, xác nhận truy xuất nguồn gốc có tiến bộ rõ rệt... Song, tổng thể còn một số hạn chế cần tập trung giải quyết trước tháng 10. Đó là vẫn xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử lý. Vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng xử lý, xử phạt còn thấp. Tình trạng mất kết nối, cố tình trốn tránh giám sát của cơ quan thẩm quyền vẫn xảy ra phổ biến và chưa được xác minh, xử lý triệt để. Chưa có giải pháp xử lý được vấn đề tàu cập bến cảng cá tư nhân... Việc thống kê và giám sát đầy đủ sản lượng qua các cảng tại các địa phương này chưa đạt yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến lo ngại, chưa gỡ được thẻ vàng không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. Hiện, Nhật Bản và Mỹ đã đưa vấn đề này vào thảo luận, và sắp tới các quốc gia khác cũng sẽ làm như vậy, không chỉ IUU trên biển mà còn cả IUU trên rừng.

“Chúng ta có 86.820 tàu, trong đó hơn 30.000 tàu trên 15m đã lắp đặt thiết bị hành trình, đạt 97,3%. Tuy nhiên, nguy cơ cao lại nằm ở những tàu chưa lắp thiết bị hoặc lắp rồi nhưng không hoạt động 24/24h. Đầu năm đến nay vẫn còn xảy ra 14 vụ với 84 người vi phạm vùng biển nước ngoài. Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký khai thác, nhưng kiểm tra thì thấy ngư dân viết như hồi ký, 10 tàu lại toàn chữ giống nhau”, ông Tiến cho biết. 

Cũng theo ông Tiến, công tác quản lý các tàu vào trong cảng mới đạt 40%; những đỗ bãi ngang, bến nhà không kiểm soát được; quản lý tàu cá chưa triệt để thì chưa thể truy xuất được nguồn gốc. 

Sẽ phạt nguội và nâng mức phạt lên 1 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sắp tới là Đoàn kiểm tra cuối cùng của nhiệm kỳ châu Âu hiện tại. Nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có thể phải mất 2 - 3 năm nữa Việt Nam mới có cơ hội gỡ thẻ vàng IUU. Điều này khiến xuất khẩu thủy sản bị tắc nghẽn, cuộc sống của ngư dân sẽ còn gian nan hơn. Mục tiêu lớn nhất từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam là không để một tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ.  

Phó Thủ tướng yêu cầu 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp từ nay đến tháng 10; trọng tâm là chống vi phạm ở nước ngoài, thực thi pháp luật trên biển để xử lý xử phạt, cũng như quản lý đội tàu, quản lý giám sát hành trình để bảo đảm độ tin cậy cho các lô hàng xuất khẩu vào EU.

Các địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất tàu cá của địa phương mình; phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố một số vụ việc để nâng cao tính răn đe, mạnh tay trong xử lý hành chính. Về lâu dài, các địa phương có biện pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản với sự trợ giúp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; từng bước hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đồng hành với các địa phương trong việc tìm kiếm nguồn, bao gồm cả vốn ODA để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, hoàn thành trong tháng 7 này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang sửa Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Trong đó, sẽ bổ sung hình thức phạt nguội (ghi âm, ghi hình, truy xuất, công khai minh bạch để người dân giám sát). Mức vi phạm này có thể bị phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nếu tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 - 24m, trừ trường hợp bất khả kháng có thể bị phạt 20 - 30 triệu đồng. Đồng thời, Nghị định mới sẽ quy định xử phạt cả chủ tàu cả máy trưởng nếu tàu cá vi phạm, tránh chủ tàu đổ lỗi cho máy trưởng là không biết.

VIFEP (ĐBND)



Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...