Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh
(23/12/2024 12:00:00 SA)
Công tác kiểm ngư, chống đánh bắt IUU (khai thác bất hợp pháp, không theo quy định) đã có những bước đi thực chất hơn. Nhờ vậy, số lượng tàu cá "3 không"(không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) đã giảm mạnh từ hơn 17.000 chiếc năm 2023, xuống chỉ còn hơn 1.600 chiếc vào năm 2024, và tiến tới sẽ chấm dứt vào năm 2025…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Công tác kiểm tra và xử lý vi phạm
trong lĩnh vực thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực".
Chiều 17/12/2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị Tổng kết công tác ngành Kiểm ngư năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.
NĂM 2024: PHÁT HIỆN 850 TÀU CÁ VI PHẠM
Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển trong năm 2024, lực lượng kiểm ngư cấp vùng đã trực tiếp tổ chức 21 chuyến tuần tra, phát hiện 130 lượt tàu vi phạm, trong đó 110 tàu cá Việt Nam, 20 tàu cá nước ngoài vi phạm.
Trong năm 2024, các lực lượng kiểm ngư địa phương đã tổ chức hơn 380 chuyến tuần tra, kiểm tra hơn 6.600 tàu cá, phát hiện 720 tàu cá vi phạm về pháp luật trên biển.
"Nhiệm vụ thường trực chống khai thác IUU mặc dù rất quyết tâm, nỗ lực, nhưng đến nay Việt Nam chưa gỡ được cảnh báo Thẻ vàng của EC".
Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư.
Bên cạnh đó, việc phối hợp thực thi pháp luật thủy sản trên biển, chống khai thác IUU với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả. Các lực lượng chấp pháp trên biển cũng đã phối hợp tuần tra, phát hiện, tuyên truyền, nhắc nhở tàu mất tín hiệu VMS trên biển gần 48.000 lượt tàu; yêu cầu gần 12.000 lượt tàu hoạt động gần ranh giới với các nước không xâm phạm vùng biển nước ngoài; kêu gọi nhắc nhở 477 lượt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài quay trở lại vùng biển Việt Nam.
Cùng với công tác kiểm tra trên biển, những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là tổ chức cấp giấy phép ra khơi đánh bắt hải sản cho các tàu cá, cấp giấy chứng nhận khai thác hợp pháp (SC) cho các lô hàng thuỷ sản về bến tại các cảng cá và Giấy chứng nhận thủy sản khai thác (giấy CC) được cấp cho lô hàng (sản phẩm để xuất khẩu) được sản xuất từ nguyên liệu đã đươc cấp giấy SC (nguyên liệu đã được xác nhận hợp pháp, không vi phạm IUU). Trong năm 2024, đã làm thủ tục xuất bến, nhập bến cho gần 750 nghìn lượt tàu cá.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế: Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với kiểm ngư địa phương chưa đảm bảo hiệu quả do tổ chức kiểm ngư địa phương mặc dù đã được lập tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, nhưng mô hình tổ chức chưa thống nhất.
Thông tin thêm về nhiệm vụ trong năm 2024, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết Cục đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng thể phát triển lực lượng Kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Cùng với đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/1/2024. Đồng thời trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09/5/2024; ban hành Danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước tại Quyết định số 2773/QĐ-BNN-KN ngày 09/8/2024.
Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các vùng biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1539/QĐ-TTg ngày 10/12/2024.
Cục Kiểm ngư đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam (Tờ trình số 1155/TTr-KN-BVNPTN ngày 9/12/2024). Cục Kiểm ngư cũng đang xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số thông tư về kiểm ngư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ (trình Bộ trong quý 2 năm 2025).
TIẾP TỤC NỖ LỰC GỠ “THẺ VÀNG”
Đối với nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng”, ông Hùng cho biết Cục Kiểm ngư đã xây dựng Kế hoạch tổng thể tiếp đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định. Xây dựng và tham mưu việc xin ý kiến Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu container đối với cá ngừ vây ngực dài.
Cục Kiểm ngư cũng hợp tác với Trung Quốc triển khai đường dây nóng đã được ký kết; đàm phán với Indonesia về thiết lập về thiết lập đường dây nóng và thiết lập kênh trao đổi thông tin xử lý tàu cá vi phạm tại vùng biển Indonesia.
“Công tác thường trực chống khai thác IUU tiếp tục được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của Bộ, của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Trong năm 2024 đã tham mưu Bộ, Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32/CT-TW và phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTPTATC, đây là 2 văn bản quan trọng trong chỉ đạo, điều hành để tạo sự chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU của Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là minh chứng cho sự chấp hành nghiêm ngặt hơn các quy định của pháp luật.
“Công tác chống khai thác IUU, ngành Kiểm ngư đã có những bước đi thực chất và sâu sát hơn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đã có 31 vụ vi phạm được xử lý lưu động, tại chỗ, giúp hạn chế tối đa các đường dây móc nối đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) cũng giảm mạnh từ hơn 17.000 chiếc xuống còn hơn 1.600 chiếc và sẽ tiếp tục giảm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận.
“Phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng kiểm ngư. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng về IUU. Cần phải thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra tàu chở hàng thuỷ sản cập cảng theo Hiệp định PSMA và thuỷ sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, Cục Kiểm ngư đang được tiến hành sáp nhập với các Cục Thuỷ sản và Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu cùng với việc sắp xếp lại, trong năm 2025, ngành kiểm ngư vẫn phải tập trung tham mưu trọng điểm chỉ đạo công tác thực thi pháp luật trong khai thác thuỷ sản. Đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp. Đồng thời đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
Trong đầu năm 2025, phải đối thoại với EC về tình hình triển khai các khuyến nghị về IUU: tổ chức đoàn đàm phán cấp cao và kỹ thuật làm việc với EC, tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra EC. Đăng cai tổ chức cuộc họp Uỷ ban điều phối Kế hoạch hành động khu vực thúc đẩy khai thác thuỷ sản có trách nhiệm bao gồm chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (RPOA-IUU) năm 2025.
VIFEP (VNE)
|