Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 trong ngành thủy sản và đề xuất cho giai đoạn 2016-2020
(22/02/2016 12:00:00 SA)
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề tới nuôi trồng thủy sản.
Trong
khuôn khổ kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Nông nghiệp và
PTNT tại Quyết định số 543/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/3/2011 của Bộ trưởng Bộ
NN&PTNT, ngành thủy sản đã triển khai công tác nghiên cứu, đánh giá
tác động của BĐKH và thử nghiệm một số mô hình ứng phó với BĐKH trong
thủy sản. Có thể kể đến một số nhiệm vụ nghiên cứu như: Điều tra, đánh
giá tình trạng dễ bị tổn thương với BĐKH của ngành nông nghiệp, trong đó
có thủy sản (do Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thực hiện trong 3
năm 2010-2012); Nhiệm vụ Đánh giá tác động, xác định các giải pháp ứng
phó và triển khai các kế hoạch hành động trong lĩnh vực nông nghiệp,
thuỷ sản (do Viện Môi trường Nông nghiệp thực hiện trong 3 năm
2010-2012); Nhiệm vụ Xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản ven biển ứng
phó với biến đổi khí hậu (do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thực
hiện trong 3 năm 2012-2014); và Nhiệm vụ đánh giá tác động của BĐKH đến
diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản ven biển nhằm xây
dựng giải pháp và mô hình thử nghiệm (do Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy
sản thực hiện trong 3 năm 2013-2015).
Nhìn
chung, các nghiên cứu, đánh giá và mô hình thử nghiệm trên đã thu được
những kết quả nhất định, đóng góp tích cực vào công tác thích ứng và
giảm nhẹ BĐKH của lĩnh vực thuỷ sản nói chung và nuôi trồng thuỷ sản nói
riêng. Các nghiên cứu thể hiện sự đa dạng trong cách tiếp cận và phương
pháp nghiên cứu, như: áp dụng cách tiếp cận không gian (GIS, viễn
thám); tiếp cận kinh tế học trong xây dựng các chỉ số đánh giá như đánh
giá tổn thương {V = f (E, S, AC)} hoặc sử dụng các công cụ như hàm sản
xuất, hàm cung cầu để tìm ra mối quan hệ giữa các yếu tố nhằm lượng hóa
được tác động của BĐKH đến sản xuất thủy sản; liệt kê và ước tính thiệt
hại do thiên tai; tính toán hiệu quả kinh tế của các giải pháp thích
ứng; các mô hình áp dụng trong tài nguyên nước như toán thủy lực một
chiều (Vietnamese River System and Plain-VRSAP).
Về
hình thức đánh giá, có đánh giá định tính, định lượng, liệt kê thiệt
hại trong quá khứ, dự báo ảnh hưởng trong tương lai theo các kịch bản
BĐKH… Đáng chú ý, một số nhiệm vụ đã lượng hóa được tác động của BĐKH
đến sản lượng nuôi một số đối tượng chủ lực như tôm nước lợ, cá tra
(theo kịch bản BĐKH).
Về
các cấp độ/quy mô đánh giá cũng rất đa dạng: từ quy mô hộ gia đình đến
quy mô cộng đồng, quy mô địa phương (tỉnh, vùng nuôi) và quy mô ngành
(cho 1 vùng, 1 tỉnh, 1 huyện). Có những nghiên cứu cũng tập trung vào
đánh giá theo các hệ thống nuôi khác nhau như hệ thống nuôi tôm sú, cá
tra, ngao, nhuyễn thể, khác,…
Về
triển khai mô hình thử nghiệm ứng phó với BĐKH, đã có 6 đối tượng và hệ
thống nuôi được thử nghiệm các thực hành nuôi trồng thủy sản ứng phó
hoặc thông minh với BĐKH như tôm nước lợ, cá biển lồng bè, nhuyễn thể
(ngao), cá rô phi nước lợ, cua biển và rong câu. Đặc biệt, một số nhiệm
vụ đã triển khai thành công việc thuần hóa đối tượng cá rô phi vào nuôi
luân canh trong ao nuôi tôm sú nước lợ tại các ao nuôi quảng canh cải
tiến vùng triều tại Thanh Hóa. Việc đưa cá rô phi vào nuôi luân canh
trong ao tôm sú đã góp phần tăng thu nhập cho hộ nuôi, giảm thiểu rủi ro
thiệt hại do BĐKH, giảm chi phí thức ăn, làm sạch môi trường ao nuôi,
giảm phát thải và ứng phó tốt hơn với BĐKH. Các mô hình triển khai thành
công, được cộng đồng và chính quyền địa phương đánh giá cao và mong
muốn được tiếp tục nhân rộng mô hình ở quy mô rộng lớn hơn với sự hỗ trợ
bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp.
Tuy
nhiên, quá trình triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ
Nông nghiệp và PTNT (tại Quyết định số 543/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/3/2011
của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) trong ngành thủy sản vẫn còn tồn tại một
số khó khăn, bất cập như sau:
Mặc
dù một số chính sách và giải pháp ứng phó với BĐKH đã được xây dựng và
triển khai tại một số địa phương nhưng còn thiếu sự tham gia của khối
doanh nghiệp trong các khâu sản xuất thích ứng với BĐKH. Với sự hạn chế
về tài chính, kỹ thuật và khả năng kết nối thị trường, cộng đồng người
nuôi địa phương rất cần có sự kết nối với doanh nghiệp để cùng tổ chức
lại sản xuất trong vùng nuôi và giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc
biệt là tiêu thụ những sản phẩm nuôi thích ứng với BĐKH và giảm phát
thải KNK (sản phẩm xanh).
Việc
lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH vào chính sách, chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch thường xuyên của các đơn vị trong ngành thủy sản vẫn
còn hạn chế.Thiếu nguồn tài chính để triển khai nhân rộng các mô hình
nuôi trồng thủy sản thành công trong ứng phó với BĐKH.
Vấn
đề chất lượng con giống trong nuôi trồng thủy sản còn những hạn chế.
Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng vấn đề nghiên cứu, sản
xuất được các giống mới có khả năng thích ứng cao trong điều kiện môi
trường biến đổi, có sức chống chịu bệnh tốt, đảm bảo năng xuất, chất
lượng chưa thu được nhiều thành công. Công tác ứng dụng thực tế và sản
xuất đại trà các giống mới được nghiên cứu chưa nhiều. Trong bối cảnh
BĐKH đang tiếp diễn phức tạp, việc sản xuất và thuần hóa các đối tượng
nuôi để tăng khả năng thích ứng và đưa vào thực tiễn sản xuất đại trà là
rất cần thiết.
Trang
thiết bị phục vụ khai thác và công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu khai
thác hải sản vẫn còn hạn chế, dẫn đến suy giảm chất lượng sản phẩm,
thất thoát nguồn lợi, làm tăng áp lực lên nguồn lợi thủy sản, gia tăng
chi phí chuyến biển,…
Kiến
thức, nhận thức về BĐKH của một số cán bộ chưa thực sự đồng đều. Thực
tế có trường hợp: cán bộ có kiến thức về BĐKH ít được tham gia vào các
hoạt động có thể lồng ghép BĐKH trong quá trình triển khai, trong khi
cán bộ có vai trò chính trong các hoạt động này lại chưa nhận thức rõ
tầm quan trọng của công tác phòng chống, ứng phó với BĐKH để lồng ghép
vào nhiệm vụ mình đang theo dõi. Do đó, việc lồng ghép các hoạt động về
BĐKH vào các nhiệm vụ chuyên môn khác có một số hạn chế.
Bởi
vậy, để phát huy các kết quả đạt được và giải quyết các tồn tại, khó
khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, giải pháp triển khai, năng lực ứng
phó với BĐKH của lĩnh vực thủy sản trong giai đoạn 2010-2015, một số
giải pháp cần được xem xét thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 như sau:
Để
tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong ứng phó với BĐKH trong
sản xuất thủy sản, cần đẩy mạnh việc kết nối giữa người sản xuất thủy
sản với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, để nhân rộng các mô hình
thành công trên các vùng sinh thái khác nhau, cũng như tăng cường quảng
bá cho các sản phẩm thủy sản có trách nhiệm cũng như sản phẩm thông minh
với BĐKH. Các hoạt động cụ thể có thể bao gồm: Hỗ trợ mở rộng phát
triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển thông minh với BĐKH (CSA) tại các
vùng sinh thái khác nhau như vùng Bắc Trung bộ, ĐBSH, ĐBSCL; thực hiện
mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chí tăng trưởng xanh tại các vùng
ĐBSH và ĐBSCL; đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp thông qua hỗ trợ người
sản xuất quy mô nhỏ và vừa đạt được các chứng nhận về nuôi trồng thủy
sản có trách nhiệm.
Trong
sản xuất giống: cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao
trong nuôi, sản xuất giống nhằm chủ động cung cấp giống kháng bệnh, phù
hợp với với điều kiện thời tiết, khí hậu nhằm động cung cấp cho các cơ
sở nuôi trồng thuỷ sản và giảm thiểu tác động xấu do BĐKH.
Mở
rộng quy mô các vùng nuôi hướng đến chứng nhận VietGap và các hình thức
chứng nhận khác không chỉ đối với các đối tượng chủ lực, mà còn ở các
đối tượng khác có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu cao như
nhuyễn thể, cá rô phi, cá biển,…Nâng cấp trang thiết bị khai thác và bảo
quản sau thu hoạch trên tàu để tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả
nguồn nhiên liệu cho vận hành tàu cá, góp phần giảm phát thải.
ThS. Cao Lệ Quyên
|