Đẩy mạnh công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp
(01/06/2023 12:00:00 SA)
Ngày 31/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UNDP Việt Nam thông qua Chương trình đối tác
hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) đã tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải
nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp”. Hội thảo có sự tham
gia của hơn 100 đại biểu trực tiếp và hơn 130 đại biểu trực tuyến.
Ảnh:
Toàn cảnh Hội thảo
Những nội dung chính đã được trao đổi
tại hội thảo bao gồm: Đánh giá hiện trạng quản lý, giảm thiểu, thu gom, phân
loại tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp; Giới thiệu các mô hình, giải
pháp giảm thiểu chất thải nhựa; Định hướng và đề xuất các giải pháp nâng cao
hiệu quả công tác quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp.
Đã có 08 bài tham luận và nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo
xoay quanh các nội dung như: Hiện trạng quản lý, phát thải, thu gom, phân loại,
xử lý và sử dụng vật liệu thay thế chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp.
Ngành Nông nghiệp và PTNT là trụ đỡ của nền kinh tế quốc
gia. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,22 tỷ USD với tăng
trưởng đáng kể trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy
sản. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần thiết yếu trong bảo đảm an
ninh lương thực quốc gia và trong khu vực, ổn định đời sống và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng tạo áp lực lớn cho môi trường,
trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành. Những vấn đề chất thải nhựa
chính mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt đó là: Thu gom bao bì thuộc bảo vệ
thực vật trong trồng trọt; bao bì thức ăn và vật liệu dùng cho chuồng trại
trong chăn nuôi; màng bọc, màng phủ túi bao gói sản phẩm trong trồng trọt; bạt
lót màng che trong các ao nuôi trồng thủy sản và rác thải nhựa từ các tàu đánh
cá.
Hiện nay đã và đang có những mô hình giảm thiểu chất thải
nhựa trong sản xuất nông nghiệp như mô hình “Cánh đồng sạch – thu gom bao bì
thuốc bảo vệ thực vật” tại Thái Bình. Mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá
xa bờ tại Quảng Bình. Mô hình thu gom chất thải nhựa của tàu cá kết nối với cơ
sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Dự án UNDP- DWP5C giai đoạn 2). Kết quả hoạt
động chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP
08:2020/QN tại tỉnh Quảng Ninh. Những mô
hình này đã và đang góp phần giảm phát thải chất thải nhựa trong ngành nông
nghiệp và cần lan tỏa, nhân rộng những kết quả này ra các tỉnh thành khác.
Nhằm hạn chế lượng chất thải nhựa trong ngành thủy sản các
đại biểu đã đề xuất những giải pháp trong đó nhấn mạnh truyền thông và nâng cao
nhận thức của người dân và những người tham gia sản xuất nông nghiệp trực tiếp.
Xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn hạn chế sử dụng, thu gom, phân loại,
chuyển đổi chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp.
Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý trung ương và địa
phương, các tổ chức, cá nhân thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy các
giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ
thống, đồng thời, huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp
có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; nền kinh tế nông nghiệp tuần
hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội thảo cũng là một hoạt động mở đầu cho các hoạt động
hưởng ứng ngày môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường năm 2023
của ngành nông nghiệp.
VIFEP
(Hồng
Ngân)
|