Trang chủ   >  

ĐBSCL: Tháo gỡ khó khăn, phát triển ổn định ngành tôm


(29/05/2020 12:00:00 SA)

Theo kế hoạch, đến năm 2025, ngành tôm Việt Nam sẽ trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất, nuôi trồng tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Để thực hiện kế hoạch trên, ngành tôm ĐBSCL từng bước xây dựng kế hoạch nuôi trồng, phát triển ổn định và tìm kiếm thị trường xuất khẩu…

Nhiều địa phương
ở các vùng ngập mặn
đã thay đổi cơ cấu
sản xuất sang
một vụ lúa/một vụ tôm cá /// Ảnh: Công Hân

Ngành tôm ĐBSCL từng bước xây dựng kế hoạch
nuôi trồng, phát triển ổn định.

Còn nhiều khó khăn

Năm 2020 cả nước có kế hoạch nuôi trồng 730.000ha tôm nước lợ (tôm sú 620.000ha, tôm thẻ chân trắng 110.000ha), tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Tổng sản lượng thu hoạch 830.000 tấn, trong đó tôm sú 280.000 tấn, bằng 100% so với năm 2019; tôm thẻ chân trắng 550.000 tấn, bằng 102% so với năm 2019. Năm 2020, ngành thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 3,5 tỉ USD, tăng khoảng 2-3% so với năm 2019. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), cho biết: “Năm 2020 được cảnh báo là khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt nhất trong nhiều năm gần đây, do đó, ngay từ đầu năm Tổng cục Thủy sản đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về việc ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường chỉ đạo sản xuất tôm nước lợ với các biện pháp tổng hợp về khung lịch mùa vụ, quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất, hướng dẫn phòng bệnh… Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng thông báo đến doanh nghiệp, người nuôi trồng về những cơ hội mới cho ngành tôm xuất khẩu”.

Qua các tháng đầu năm 2020, ở vùng nuôi tôm trọng điểm ĐBSCL xuất hiện hạn mặn, mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm đã ảnh hưởng tình hình thả nuôi tôm. Từ đầu năm 2020 đến nay, các địa phương ven biển thả nuôi tôm sú, thẻ chân trắng với diện tích 481.534ha, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 71,1% so với kế hoạch năm. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đến ngày 30-4-2020 là 168.600 tấn, bằng 94,4% so với cùng kỳ 2019, đạt 21,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, Bạc Liêu là địa phương có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, kế tiếp là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn, đến ngày 31-3-2020, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại đạt 591,083 triệu USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019…

Vào vụ nuôi tôm năm nay, tôm giống có giá dao động ổn định, tôm nguyên liệu giảm khoảng 20% so cùng kỳ năm 2019. Thách thức lớn nhất trong vụ tôm năm nay là mối lo dịch bệnh. Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay có trên 15.950ha nuôi tôm bị thiệt hại. Trong đó trên 990ha thiệt hại do bị bệnh, 469ha do môi trường và trên 14.490ha chưa rõ nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2019 tổng diện tích thiệt hại tăng gấp 3,3 lần, nhưng diện tích bị bệnh giảm hơn 28%, thiệt hại do môi trường giảm hơn 49%, diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân lại tăng hơn 5,8 lần...

Tín hiệu khả quan

Tổng cục Thủy sản dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, thị trường xuất khẩu tôm có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó: tại thị trường EU, Hiệp định thương mại EVFTA sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi thuế giảm mạnh; Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Thông tin này đã tạo thêm động lực cho các Công ty xuất khẩu tôm sang Mỹ…

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2030, Bộ sẽ đề nghị 8 tỉnh có vùng nuôi tôm ở ĐBSCL phải có kế hoạch phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả và hình thành định hướng phát triển chung cho ngành hàng tôm Việt Nam. Trong đó, các yếu tố góp phần giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả, giảm rủi ro, giảm tổn thất thiệt hại thì con giống tốt, sạch bệnh là một giải pháp quan trọng nhất cần chú ý. Nước ta đã có một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh con giống trong nước, nhưng về lâu dài cần hình thành tập đoàn con giống bố mẹ một cách chủ động, từng bước làm chủ công nghệ trong sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loài tôm càng xanh, tôm hùm… Đối với các sản phẩm phụ trợ cho nuôi trồng, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ tăng cường biện pháp quản lý, kiểm soát các loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản, các chế phẩm sinh học để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất đến người chăn nuôi…

Còn ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Việt – Úc (đơn vị nuôi trồng, sản xuất tôm giống... lớn nhất Việt Nam), cho biết: “Trong tình hình khó khăn bởi dịch COVID-19, chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để bà con vượt khó. Tiếp đến là cần hoàn thiện chuỗi giá trị, nâng tầm thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời cần có sự liên kết giữa các bộ, ban ngành và các doanh nghiệp, người nuôi tôm trong quảng bá thương hiệu nhiều hơn tại các thị trường trọng điểm: Mỹ, EU, Nhật Bản... để thị trường quốc tế có thể thay đổi góc nhìn về sự đầu tư công nghệ cao của ngành tôm Việt Nam. Khi chúng ta kết nối, triển khai để cùng chung tiếng nói, tôi tin ngành tôm Việt Nam sẵn sàng bứt phá và đứng hàng đầu thế giới…”.

Tại vùng nuôi ở khu vực ĐBSCL, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, cho biết trong những năm qua CP cũng đã phối hợp cùng với ngành Nông nghiệp triển khai 8.000 mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Riêng ĐBSCL đã triển khai trên 1.000 ao. Tại Sóc Trăng đã được triển khai thành công tại các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu bước đầu rất thành công, được nông dân nuôi tôm đánh giá rất cao và từng bước nhân rộng mô hình.

Nhận diện cơ hội cho ngành tôm Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dẫn chứng: “Trước tiên, Chính phủ nước ta vừa kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 nên đã tạo cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong giai đoạn hiện thời và sắp tới. Nhất là niềm tin của đối tác nhập khẩu thủy sản Việt Nam rất quan tâm tôm từ Việt Nam, qua hoạt động kiểm soát phòng, chống dịch rất tốt, tạo nên uy tín hình ảnh Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh đó vấn đề người nuôi, doanh nghiệp cũng hết sức tin tưởng vào chính sách của Chính phủ. Như vậy rõ ràng chúng ta có những cơ sở để tin tưởng tăng trưởng kinh tế trở lại sau dịch COVID-19…”.

VIFEP (CT)

Xem thêm >>

Tin tức
 Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản   (11/04/2024 12:00:00 SA)
 Những thách thức của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024   (08/04/2024 12:00:00 SA)
 Ngành nuôi biển ngóng chờ quy hoạch không gian biển quốc gia   (05/04/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh   (04/04/2024 12:00:00 SA)
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản   (01/04/2024 12:00:00 SA)
 Gia tăng nguồn lợi tỷ đô từ nghề nuôi biển   (27/03/2024 12:00:00 SA)
 65 năm bứt phá vượt bậc của ngành thuỷ sản   (25/03/2024 12:00:00 SA)
 Gỡ 'thẻ vàng': Thủy sản Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị bền vững   (20/03/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tăng - Vì sao?   (14/03/2024 12:00:00 SA)
 Sớm hoàn thiện và đưa ra đề xuất những phương án khả thi tối ưu nhằm phát triển hệ thống sản xuất tôm – lúa bền vững   (13/03/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...