Diễn đàn “ Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm”


(09/08/2023 12:00:00 SA)

Ngày 8/8/2023, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Cục Thuỷ sản - Bộ NN&PTNT đã phối hợp với sở NNPTNT tỉnh Phú Yên và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức diễn đàn “Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm”.



Ảnh: Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm.


Tham gia diễn đàn có các đại biểu đến từ các Cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Thuỷ sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và PTTT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Đại điện UBND tỉnh Phú Yên, Sở NN& PTNT/Chi Cục thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thú y các tỉnh: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu; Đại diện các cơ sở/HTX nuôi tôm hùm, các doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, xuất khẩu tôm hùm và các nhà khoa học đến từ các viện , trường (Viện NTTS3, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, trường đại học Nha Trang…

Diễn đàn là cơ hội để các bên (Cơ quan quản lý, nhà khoa học và người nuôi, doanh nghiệp) chia sẻ về hiện trạng sản xuất, tiêu thụ tôm hùm, những khó khăn, thách thức đang gặp phải và bàn về những định hướng, giải pháp phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm hùm bền vững trong thời gian tới.

Tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị cao, mang lại thu nhập lớn cho người dân các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên. Sáu tháng đầu năm 2023, ghi nhận sự phục hồi ngoạn mục của lĩnh vực tôm hùm sau đại dịch Covid, kim ngạch xuất khẩu đạt 130 triệu USD tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái (Vasep). Tuy nhiên nghề nuôi tôm hùm còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trao đổi tại diễn đàn, hầu hết các đại biểu đều cho rằng khó khăn thách thức lớn nhất hiện này của nghề nuôi tôm hùm là chưa chủ động được về con giống, chất lượng giống không ổn định (90 % giống phục vụ cho sản xuất phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước ngoài, việc kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn). Ngoài ra, một số khó khăn, thách thức khác như sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch/kế hoạch sắp xếp lại vùng nuôi (chưa kiểm soát được vùng nuôi, số lượng lồng nuôi), thức ăn tươi sống ngày càng khan hiếm và gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ không ổn định, quá phụ thuộc và thị trường Trung Quốc… dẫn đến tình trạng phát triển thiếu bền vững.

Trao đổi tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã đề xuất một số giải pháp để hướng tới sự phát triển bền vững cho tôm hùm Việt Nam như: Đàm phán để nhập khẩu tôm hùm giống trực tiếp từ các nước, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng giống nhập; Bố trí sắp xếp lại vùng nuôi, lồng nuôi, quản lý điều kiện cơ sở nuôi tôm hùm trên biển theo quy định; Ổn định thị trường trong nước, duy trì các thị trường hiện tại và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng theo hướng chính ngạch; Hình thành chuỗi liên kết sản xuất (giữa người nuôi, cung cấp giống, dịch vụ hậu cần và tiêu thụ sản phẩm) trong đó doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân của chuỗi.

 

VIFEP (Phương Thảo)



 

Xem thêm >>