Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2023
(05/06/2023 12:00:00 SA)
Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2023 được
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp
cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực
hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution).
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành
động vì môi trường, nhiều năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hưởng
ứng, tham gia và tổ chức nhiều hoạt động như: Mít tinh, hội
thảo, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường,
trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.....
Năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
cũng sẽ có nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành
động vì môi trường như: Hội thảo, treo pano, áp phích, truyền thông trên các
phương tiện thông tin đại chúng... với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa trong
ngành nông nhiệp”.
Từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự
phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường, con người đã bắt đầu ý
thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Tại Hội nghị về Con người & Môi trường tại
thủ đô Stockholm ở Thuỵ Điển diễn ra từ ngày 05 - 06/6/1972, Liên Hợp Quốc đã
quyết định chọn ngày 05/6 kể từ năm 1972 là Ngày môi trường thế giới. Sự kiện
này được giao cho UNEP có trụ sở tại Kenya tổ chức. Sau khi được phát động, đã
có 143 quốc gia hưởng ứng và tham gia vào sự kiện này. Đây là kết qủa đầu tiên
đánh dấu những nỗ lực của toàn thể nhân loại về việc giải quyết các vấn đề môi
trường nóng bỏng thời điểm đó.
Ngày Môi trường Thế giới có ý nghĩa rất lớn đối
với môi trường sống của con người trên toàn thế giới. Đây chính là sự kiện
giúp cả thế giới cùng nhau khơi lại nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư tưởng và hướng
về môi trường sống, cùng nhau chung tay thực hiện các hoạt động thiết thực để
bảo vệ môi trường.
Mỗi năm sẽ có mỗi thông điệp chính thức khác nhau
về ngày Môi trường Thế giới do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc quyết định và được
thông tin đến các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Thông điệp ấy
sẽ bao gồm định hướng về các vấn đề môi trường và bảo vệ không gian xanh được
đưa ra để tất cả các quốc gia đều đồng lòng ký kết thực hiện.
Góp mặt tham gia từ năm 1982, Việt Nam cũng đã
hưởng ứng rất tích cực ngày hội lớn của thế giới này. Nhờ đó, nước ta có
nhiều hoạt động ý nghĩa để toàn dân tham gia hưởng ứng, chung sức bảo vệ môi
trường xanh. Đến nay, nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc bảo
vệ và giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
Theo đánh giá của UNEP, ô nhiễm môi trường từ rác
thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế
giới phải đối mặt. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được
sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế chỉ sử dụng một lần, ít hơn 10%
được tái chế. Ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và
biển hằng năm. Microplastic là các hạt nhựa nhỏ đi vào thức ăn, nguồn nước và
không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000
hạt nhựa mỗi năm. Nhựa dùng một lần bị vứt bỏ hoặc đốt cháy gây hại cho sức
khỏe con người, gây ô nhiễm các hệ sinh thái, từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Những năm qua, Việt Nam đã, đang thực thi nhiều
cơ chế, chiến lược, chính sách, đề án để giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi
trường, điển hình như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về
giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các
sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các
sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.
Vì vậy, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2023
nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với
thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích
ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua
các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng
tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây
dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu
quả chính sách chống rác thải nhựa.
VIFEP (Hồng Ngân)
|