Tham dự Hội thảo có
lãnh đạo cục Thủy sản, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau; cùng đại diện các Sở
NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học,
doanh nghiệp, người dân nuôi trồng và chế biến xuất khẩu thủy sản. Hội thảo do
ông Trần Đình Luân – Cục
trưởng Cục Thủy sản và ông Phan Hoàng Vũ – Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau đồng
chủ trì.
Tại hội thảo, Cục Thủy sản đã trình bày Dự
thảo “Đề án Xây dựng Trung tâm đầu mối” và lấy ý kiến của các bên tham gia
xây dựng Đề án Trung tâm đầu mối tại 03 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau,
Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản. Chức năng, vận hành và hưởng
lợi từ hoạt động Trung tâm đầu mối Thuỷ sản ven biển liên kết với các vùng
nguyên liệu thuỷ sản ven biển tại ĐBSCL.
Phác thảo sơ bộ nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng đề án, Cục Thủy sản xác định, vùng
ĐBSCL có lợi thế và vai trò lớn về thủy sản đối với cả nước. Tổng diện tích
nuôi trồng thủy sản của vùng hằng năm đạt trên 1,2 triệu ha, chiếm 60% cả nước.
Tuy
nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đến từ quy mô sản xuất
còn nhỏ lẻ, sản xuất chưa gắn với thị trường để phát triển chuỗi giá trị. Chi
phí sản xuất đầu vào rất cao, nguồn cung - cầu nguyên liệu chưa ổn định. Nhất
là hệ thống logistics, dịch vụ phụ trợ phát triển chưa tương xứng với nền sản
xuất và sự kết nối giữa các vùng, tiểu vùng còn yếu.
Ông Nghiêm Bá Hưng, Chuyên viên Tổ chức
GIZ khẳng định việc xây dựng các trung tâm đầu mối nông lâm sản là vấn đề quan
trọng đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Theo điều tra của GIZ, hiện nay chi phí
logistics của Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL đang ở mức cao, chiếm khoảng 17%
giá trị hàng hóa. Trong khi đó, chi phí logistics của một số quốc gia trên thế
giới chỉ chiếm từ 9 – 10% tổng giá trị hàng hóa. “Vấn đề ĐBSCL đang thiếu đó là
hạ tầng giao thông tốt. Trong một chuyến khảo sát đến các vùng kinh tế trọng điểm
ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, bà con đều kêu là hệ thống giao thông nội tỉnh
không tốt do đó nhiều nhà đầu tư không đến do lo ngại chi phí logistics lớn.
Qua đó bộc lộ nhiều điểm yếu ở khâu chế biến, bảo quản. Hiện
các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến sau thu hoạch. Bởi
đầu tư tốn kém, cần tính toán rất kỹ về lợi nhuận đạt được”, ông Hưng chia sẻ
thêm.
Đại
diện Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở băn
khoăn, địa phương hiện có trung tâm đầu mối của tỉnh Kiên Giang. Trung tâm này
đã triển khai được 1 năm nhưng hiện chưa có sản phẩm. Tỉnh Kiên Giang hiện có
sản lượng thủy sản đạt 800.000 tấn/năm, bao gồm sản phẩm khai thác và nuôi
trồng. Ông Thao cho rằng, gốc của việc hình thành trung tâm đầu mối về thủy sản
là liên kết như thế nào để tiêu thụ được sản lượng sản phẩm thủy sản trên. Hơn
nữa tránh sự chồng lấn với các trung tâm đầu mối khác của tỉnh và của vùng
ĐBSCL.
Còn theo ông Châu
Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay tại TP. Cần Thơ
đang thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ
sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ. Đây là trung tâm đầu mối giải
quyết nhiều vấn đề chứ không phải chỉ là cái chợ. Tôi nghĩ trung tâm này nên là
trung tâm tổng hợp trong đó trọng tâm là thủy sản, vì thủy sản là thế mạnh lớn
nhất. Cà Mau có sản lượng thủy sản đạt 650.000 tấn/năm, trong đó riêng tôm đã
trên 200.000 tấn/năm. Khi hình thành trung tâm đầu mối về thủy sản ở 3 địa
phương sẽ hỗ trợ phát triển và kết nối với trung tâm lớn ở TP. Cần Thơ.
Cũng
trong phiên thảo luận, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc
Trăng cho biết, hiện nay Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng chưa phê duyệt nên nên việc
thành lập trung tâm đầu mối về thủy sản chưa được định hình rõ. Nhưng “Trung
tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy
sản khu vực ven biển không phải là chợ đầu mối. Trung tâm này cần tích hợp, quy
tụ nhiều yếu tố về dịch vụ logistics, chế biến, kết nối khu vực, trong nước,
quốc tế… mang tính liên vùng rõ rệt”, ông Nhã bày tỏ quan điểm.
Tại
Hội thảo, cục Thủy sản đưa ra 4 quan điểm khi xây dựng, triển khai thực hiện Đề
án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL. Trong đó, đề án phải đảm bảo tính thống
nhất, đồng bộ với các chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo
vệ môi trường và quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Bên
cạnh đó, đảm bảo sự phát triển bền vững dựa trên sự cân bằng giữa 3 trụ cột:
Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Đồng
thời, đề án phải đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện và phù hợp với
khả năng huy động nguồn lực trong nước, quốc tế để triển khai.
Quan
điểm cuối cùng là phải đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan, từ Trung ương
đến địa phương, từ vùng cho đến các tiểu vùng. Hài hòa lợi ích giữa quốc gia,
vùng, tiểu vùng, các tỉnh, thành và người dân. Nhất là tăng cường liên kết giữa
các địa phương trong vùng để phát huy sức mạnh tổng thể của cả vùng.
Khi
xây dựng dự thảo đề án cần đảm bảo mục tiêu chung làm căn cứ và khung pháp lý
cho các địa phương triển khai xây dựng các trung tâm đầu mối về thủy sản ven
biển.
Tổng hợp các ý kiến tham
luận, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định,
việc xây dựng trung tâm đầu mối về thủy sản phải đảm bảo hài hòa với trung tâm
đầu mối khác ở khu vực ĐBSCL. Hơn nữa, để hình thành một trung tâm có rất nhiều
vấn đề phải bàn bạc, nhiều sáng kiến. Đặc biệt từ những khó khăn, thách thức tại
thực tế cơ sở đã xảy ra thời gian qua, đây sẽ là căn cứ triển khai nội dung Đề
án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL tốt hơn.
Thời
gian tới, Cục Thủy sản sẽ tổ chức điều tra khảo sát, thu thập số liệu về thực
trạng phát triển lĩnh vực thủy sản của 3 địa phương: Kiên Giang, Cà Mau và Sóc
Trăng. Từ đó, làm rõ thế mạnh của từng tỉnh, các điều kiện cơ chế chính sách,
hạ tầng đi kèm theo.
Ông
Luân nhấn mạnh, nội dung Đề án Trung tâm đầu mối thủy sản ĐBSCL phải được
nghiên cứu đánh giá cụ thể, kỹ càng. Bao gồm: Địa điểm, cơ sở hạ tầng, cơ chế
chính sách hỗ trợ cho trung tâm, những vấn đề cần giải quyết trước mắt và lâu
dài.
Hội
thảo đã thống nhất các ưu tiên, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đầu mối và
vai trò của Bộ NN&PTNT, các cơ quan trung ương khác có liên quan, đặc biệt
là các các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng. Xác định được cơ cấu tổ chức,
cơ chế chính sách để vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Đầu mối thuỷ sản ven
biển, thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực bán đảo Cà Mau. Danh mục các ý tưởng
về cơ chế chính sách để tháo gỡ các rào cản, giải quyết các thách thức trong
chuỗi giá trị ngành thuỷ sản ven biển ĐBSCL... từ các doanh nghiệp/đại diện cộng
đồng kinh doanh, người sản xuất trong lĩnh vực thủy sản ven biển (thuỷ sản nước
lợ và mặn) được tập hợp và thảo luận, thống nhất.
Dự thảo Đề án cùng các văn bản
giải trình đi kèm sẽ được
trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12 năm 2023.
VIFEP (Thu Hương)