Ngành thuỷ sản năm 2020: Bám sát khuyến nghị của EC


(03/02/2020 12:00:00 SA)

Năm 2020 ngành thuỷ sản Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về hàng rào kỹ thuật bởi công tác thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn chưa đạt yêu cầu.


Xuất khẩu cá tra năm 2019 đạt không được như kỳ vọng do giá cá tra giảm mạnh khi xuất sang Mỹ.


Chưa đạt kỳ vọng

Theo đại diện Hiệp hội Xuất Nhập khẩu Thuỷ sản (VASEP), sau gần 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC về công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU còn chưa nghiêm. Cộng thêm phần hệ thống giám sát tàu cá chưa được đáp ứng, khiến sản lượng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Các mặt hàng xuất khẩu cá ngừ, chả cá, nghêu, cá đóng hộp, cua có tín hiệu tăng trưởng tốt nhưng tôm và cá tra còn đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2019 xuất khẩu cá tra đạt 870 nghìn tấn, trị giá 2 tỷ USD, cho thấy xuất khẩu cá tra năm 2019 đạt không được như kỳ vọng do giá cá tra giảm mạnh khi xuất khẩu sang Mỹ và tăng không đáng kể khi xuất sang thị trường Trung Quốc và ASEAN.

Riêng lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam vào tháng cuối năm 2019 đã có dấu hiệu khả quan, từ tháng 11/2019, xuất khẩu tôm tăng 7,6% về lượng và tăng 1,7% về trị giá so với tháng 11/2018, đạt 35,8 nghìn tấn, chiếm trị giá khoảng 305,8 triệu USD. Mặc dù sản lượng có phần tăng nhẹ nhưng giá tôm lại giảm 0,49 USD/kg so với cùng kỳ năm 2018.

Về xuất khẩu cá ngừ, tháng 11 năm 2019 đạt 142 nghìn tấn, trị giá 666,7 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, song sản lượng cá ngừ xuất khẩu sang thị trường EU còn gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực vượt khó

Theo đại diện Tổng cục Thủy sản Việt Nam, năm 2020, mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019. Trong đó, sản lượng cá tra đạt 1,42 triệu tấn, sản lượng tôm các loại đạt 850.000 tấn tăng 3,7% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.

Nhận định được đưa ra từ các chuyên gia về ngành thủy sản sẽ có điểm sáng trong năm 2020 khi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng với sản phẩm thủy sản ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ kéo theo thuế nhập khẩu cá tra giảm từ mức 5,5% xuống còn 0% trong 3 năm đối với cá tra nguyên liệu và giảm từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá tra chế biến. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tăng mạnh trong thời gian tới.

Đại diện Tổng cục Thủy sản nhận định, năm 2020 mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam thì ngành thuỷ sản còn gặp nhiều rào cản, bởi bắt đầu từ ngày 01/01/2020, tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ thực thi các tiêu chuẩn khí thải mới để hạn chế tình trạng ô nhiễm do các con tàu trên thế giới gây ra. Do đó các tàu vận chuyển quốc tế sẽ chịu thêm mức phí này, việc tăng thuế phí cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam gặp khó khăn hơn khi giá nguyên liệu giảm mà giá nhiên liệu lại tăng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chỉ rõ, ngành thủy sản vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, hạ tầng cơ sở cảng cá, cơ chế chế biến, điều kiện kho bãi hiện nay còn yếu và chưa được đầu tư tương xứng. Đội tàu cá quá lớn, công nghệ kém, thất thoát sau thu hoạch cao. Nguồn nhân lực cho khai thác và chế biến thủy sản cũng còn thiếu và yếu. Đây sẽ là những điểm nghẽn mà ngành thủy sản sẽ phải tập trung khắc phục, tháo gỡ trong năm 2020. 

Đưa ra kế hoạch và phương hướng cho giai đoạn tới, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản gửi 28 tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo rà soát, khắc phục ngay những tồn tại mà EC nêu ra, chuẩn bị kế hoạch, nội dung chi tiết để làm việc với đoàn thanh tra của EC.

Từ Chính phủ đến các bộ, ngành và địa phương đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn để khắc phục những khuyến nghị mà EC nêu ra. Đối với 4 nhóm khuyến nghị của EC: Thứ nhất, chúng ta đã cơ bản hoàn thiện khung pháp lý, gồm: Luật Thủy sản và các văn bản dưới luật (trong quá trình xây dựng cũng lấy ý kiến của EC). Thứ hai, trong công tác kiểm soát tàu cá, các địa phương và lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát nghề cá, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, rồi kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài”, ông Hùng nhấn mạnh.

VIFEP (DĐ DN)



Xem thêm >>

Tin tức
 Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản   (11/04/2024 12:00:00 SA)
 Những thách thức của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024   (08/04/2024 12:00:00 SA)
 Ngành nuôi biển ngóng chờ quy hoạch không gian biển quốc gia   (05/04/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh   (04/04/2024 12:00:00 SA)
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản   (01/04/2024 12:00:00 SA)
 Gia tăng nguồn lợi tỷ đô từ nghề nuôi biển   (27/03/2024 12:00:00 SA)
 65 năm bứt phá vượt bậc của ngành thuỷ sản   (25/03/2024 12:00:00 SA)
 Gỡ 'thẻ vàng': Thủy sản Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị bền vững   (20/03/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tăng - Vì sao?   (14/03/2024 12:00:00 SA)
 Sớm hoàn thiện và đưa ra đề xuất những phương án khả thi tối ưu nhằm phát triển hệ thống sản xuất tôm – lúa bền vững   (13/03/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...