Trang chủ   >  

Ngành thủy sản Việt Nam xuất siêu 4,23 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm


(23/09/2021 12:00:00 SA)

Tháng 8/2021, xuất khẩu (XK) thủy sản sang nhiều thị trường trọng điểm giảm từ 35-45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhiều thị trường nhỏ vẫn duy trì tăng trưởng tốt, như Mexico tăng 72%, Phillipines tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%…

Ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu.

Ngày 22/9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trong tháng 8/2021, số thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam ít hơn 20 thị trường so với tháng trước và so với cùng kỳ năm ngoái.

XK thủy sản Việt Nam sang nhiều thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Canada, Australia…) giảm từ 35-45% so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, trong khi đó, có nhiều thị trường nhỏ vẫn duy trì tăng trưởng trong tháng 8/2021 như Mexico tăng 72%, Phillipines tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%…

Trong đó, XK thủy sản sang Mexico đạt 5,7 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái; cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng tới 263%.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2021, XK thủy sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch XK thủy sản, nhưng với đà tăng trưởng XK cá tra và cá ngừ như hiện nay, thị trường Mexico sẽ là lựa chọn của nhiều DN trong thời gian tới với ưu thế về thuế nhập khẩu theo hiệp định CPTPP.

Tính đến hết tháng 8/2021, XK cá tra sang Mexico tăng 72% và chiếm 4,7% tổng XK cá tra của Việt Nam. Mexico trở thành thị trường đơn lẻ lớn thứ 3 của XK cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Hiện nay có 20 DN tham gia XK cá tra sang Mexico.

XK thủy sản sang EU trong tháng 8 sụt giảm gần 31% nhưng vẫn có một số thị trường quan trọng duy trì được tăng trưởng dương như Tây Ban Nha tăng 48%, Bồ Đào Nha tăng 15%...

Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy nguồn cung ứng, gây khó khăn về logistics và cước vận chuyển cao, ảnh hưởng nhiều hơn đến các thị trường lớn. Trước thực tế đó, nhiều DN lựa chọn và chuyển hướng sang các thị trường nhỏ và những thị trường này sẽ tiếp tục hạn chế một phần tác động sụt giảm XK trong những tháng tới.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay đạt 5,57 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ và chiếm 23,3% tổng kim ngạch XK của toàn ngành. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản (trên 870 triệu USD; giảm 3,7%; chiếm 15,8%), EU, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Cũng trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 1,34 tỷ USD thủy sản từ các nước, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường Việt Nam nhập khẩu thủy sản lớn nhất là Ấn Độ, Na Uy, Đông Nam Á…

Như vậy, 8 tháng đầu năm nay, ngành thủy sản Việt Nam đã xuất siêu 4,23 tỷ USD.

VIFEP (TP)

Xem thêm >>

Tin tức
 Năm 2025, ngành thuỷ sản cần đẩy mạnh phát triển các đối tượng nuôi mới tiềm năng   (10/01/2025 12:00:00 SA)
 4 cơ hội lớn để thuỷ sản vượt mốc kỷ lục 11 tỷ USD trong 2025   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản hướng tới mục tiêu mới   (07/01/2025 12:00:00 SA)
 Cơ hội và thách thức của ngành thủy sản năm 2025   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Nâng cao giá trị và chiến lược phát triển bền vững ngành thủy sản   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Giải pháp nào để xuất khẩu thuỷ sản không 'loanh quanh' mức 10 tỷ USD?   (03/01/2025 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...