Trang chủ   >  

Nuôi biển, hướng đi chiến lược của ngành thủy sản


(17/12/2021 12:00:00 SA)

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn về bờ biển, diện tích mặt nước nhưng lĩnh vực nuôi biển của Việt Nam còn phát triển một cách khiêm tốn, tính đến năm 2021, Việt Nam mới có 70.000 ha và 7,8 triệu m3 lồng, sản lượng đạt 650.000 tấn.

Quy hoạch nuôi trồng thủy sản mặn, lợ: Ưu tiên những vùng có thế mạnh

Nuôi trồng thủy sản bằng hình thức ô lồng tại huyện Vân Đồn.

Để phát huy lợi thế kinh tế biển nói chung, Trung ương đã có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thể chế hóa Nghị quyết số 36, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quyết định đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.

Những năm qua, mặc dù đã có những bước phát triển, nghề nuôi biển nước ta vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có. Theo thống kê, Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi diện tích nuôi biển của nước ta mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, trong khi đó, hoạt động nuôi biển đến nay vẫn còn manh mún, tự phát, thường xuyên phá vỡ quy hoạch.

Mặt khác, về lĩnh vực nguồn giống nuôi, chúng ta cũng chỉ sản xuất được một số giống cá biển với quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, những khó khăn trong khâu cung cấp thức ăn do các mô hình nuôi truyền thống, sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu từ cá tươi. Nguồn thức ăn này không mang tính bền vững, gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường và có thể dẫn đến khan hiếm nguồn cá tạp tự nhiên. Đặc biệt, nuôi biển tại Việt Nam hiện nay chủ yếu theo quy trình nuôi lồng bè truyền thống gần bờ, hạ tầng nuôi còn nhiều yếu kém, thiếu quy hoạch và chính sách quản lý tốt dẫn đến tình trạng phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức, rõ nhất là suy thoái môi trường. Ngành nuôi biển của Việt Nam còn phát triển theo hướng tự phát với mật độ nuôi dày; không có sự kiểm soát giống, môi trường, dịch bệnh; thức ăn chăn nuôi cũng chưa thực sự phù hợp với từng loài, từng giai đoạn để bảo đảm sinh trưởng, sinh sản. Nhiều vùng nuôi hiện nay đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng do độ sâu và tốc độ dòng chảy thấp, mật độ các lồng nuôi quá cao, chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động nuôi quá lớn…

Như vậy, nuôi biển là trọng tâm đột phá phát triển thủy sản trong 10 năm tới. Tại một hội nghị về nuôi biển gần đây, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tiềm năng nuôi biển của Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, do vậy nước ta phải nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững.

Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững, trở thành một trong những trụ cột chính trong phát triển ngành thủy sản trong thời gian tới, các cơ quản lý nhà nước, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cần tập trung một số giải pháp như: Tập trung hoàn thiện thể chế chính sách đồng bộ cho phát triển nuôi biển bền vững, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017, chính sách giao khu vực biển và các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người nuôi biển được tiếp cận các công cụ chính sách, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia chuỗi giá trị nuôi biển.

Nói như Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thì doanh nghiệp sẽ là “những cánh chim đầu đàn để doanh nghiệp khác cũng như các địa phương bay theo. Từ đó, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái nuôi biển cả vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ bảo đảm bền vững; đồng thời khơi thông được nguồn lực để ngành thủy sản Việt Nam có vị thế lớn trên khu vực và quốc tế”.

VIFEP (ND)

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...