Phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu


(08/02/2022 12:00:00 SA)

Chế biến là khâu quan trọng nhất nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất thủy sản. Ở Việt Nam, những năm gần đây, công nghiệp chế biến thủy sản đã phát triển nhanh, góp phần vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành thủy sản. Giai đoạn 2010-2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 5,3%/năm. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với 2020.

Chế biến hàng giá trị gia tăng của Tập đoàn thủy sản Minh Phú Cà Mau.

Những con số nêu trên phản ánh thực trạng là chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm thủy sản dưới dạng thô, sơ chế, bán thành phẩm hoặc nguyên liệu cung cấp cho các nhà nhập khẩu mà chưa qua chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Thêm nữa, tăng trưởng của ngành chế biến thủy sản vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tài nguyên, lao động giá rẻ, trình độ thấp, đa số cơ sở chế biến chưa đầu tư nhiều vào công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các cơ sở chế biến phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% số cơ sở. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông dẫn đến năng suất lao động không cao…

Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, phát triển chuỗi giá trị

Tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 với 6 trọng tâm chính là phát triển khoa học công nghệ; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản; nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến; phát triển hệ thống dịch vụ hậu cần và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành chế biến thủy sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm đưa công nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam vào một giai đoạn mới, thay đổi lớn về tầm vóc, quy mô và chất lượng. Đây được xem là một cơ hội mới nhưng cũng là thách thức lớn để ngành chế biến thủy sản tái cơ cấu và chuyển mình.

Đề án nêu trên nhận được sự quan tâm đặc biệt từ doanh nghiệp và các cấp quản lý trong cả nước. Cà Mau là một địa phương có nền kinh tế biển phát triển với chế biến và xuất khẩu thủy sản hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm đến 80% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chiếm khoảng 49% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 30 nhà máy chế biến thủy sản; vùng nuôi thủy sản phát triển với hơn 300.000 ha, trong đó có hơn 280.000 ha nuôi tôm nước lợ với sản lượng tôm đạt hơn 200.000 tấn mỗi năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, từ nay đến năm 2025, Cà Mau tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế biển gắn liền với tổ chức lại sản xuất “thích ứng an toàn lâu dài với dịch bệnh”. Trong đó, tỉnh tiếp tục xác định tôm là mặt hàng chủ lực, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ như tôm-lúa, tôm-rừng. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích phát triển các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh năng suất cao an toàn sinh học theo cách nuôi 2 giai đoạn, 3 giai đoạn hoặc tuần hoàn nước khép kín, đồng thời tổ chức lại sản xuất, chế biến theo hướng tập trung gắn với lưu thông hàng hóa.

Một điểm nhấn trong nhóm các giải pháp của Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 là vấn đề thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới cũng như hình thành, phát triển chuỗi giá trị. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, trong kế hoạch tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất, liên kết là một trong những giải pháp đã được đề ra. Thời gian qua, rất nhiều chuỗi đã được hình thành từ vật tư đầu vào đến nhà máy chế biến và việc truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thí dụ như chuỗi tôm ở ba tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đối với ngành cá tra, đã tạo được nhiều chuỗi liên kết từ vùng sản xuất giống đến vùng nuôi và đến nhà máy chế biến. Tương tự đối với khai thác thủy sản, đã kết nối từ tàu khai thác đến tàu hậu cần dịch vụ và nhà máy chế biến, bảo đảm giảm được tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dưới góc độ một doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau cho rằng: Chính phủ, bộ, ngành chức năng và các địa phương cần có chính sách thiết thực khuyến khích hợp tác sản xuất, phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, tránh tình trạng sản xuất manh mún nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến... Mặt khác, cần hỗ trợ hơn nữa để giúp doanh nghiệp thực hiện chương trình phát triển thị trường trọng điểm, đặc biệt trong quảng bá thương hiệu cho các nhóm sản phẩm thủy sản chủ lực; hỗ trợ phân tích, dự báo về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường, cũng như thông tin về chính sách thương mại của từng quốc gia, cả về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm, rào cản kỹ thuật, thuế quan... Từ đó sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản sớm hoạch định chính sách để có định hướng phát triển chế biến thủy sản phù hợp, mang lại hiệu quả bền vững…

VIFEP (ND)

Xem thêm >>

Tin tức
 Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản   (11/04/2024 12:00:00 SA)
 Những thách thức của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024   (08/04/2024 12:00:00 SA)
 Ngành nuôi biển ngóng chờ quy hoạch không gian biển quốc gia   (05/04/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh   (04/04/2024 12:00:00 SA)
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản   (01/04/2024 12:00:00 SA)
 Gia tăng nguồn lợi tỷ đô từ nghề nuôi biển   (27/03/2024 12:00:00 SA)
 65 năm bứt phá vượt bậc của ngành thuỷ sản   (25/03/2024 12:00:00 SA)
 Gỡ 'thẻ vàng': Thủy sản Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị bền vững   (20/03/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tăng - Vì sao?   (14/03/2024 12:00:00 SA)
 Sớm hoàn thiện và đưa ra đề xuất những phương án khả thi tối ưu nhằm phát triển hệ thống sản xuất tôm – lúa bền vững   (13/03/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...