Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tháng 10/2024 ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm (từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng, là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản mang về 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện Vasep cho biết, trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10.
Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc (tính cả Hong Kong) bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.
Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Mỹ đã chạm mức 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì. Khi đó, Trung Quốc có thể trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vào cuối năm 2024.
Ở châu Âu, dù nền kinh tế hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về mặt hàng, tôm và cá tra là hai sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong năm 2024. Tính đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi xuất khẩu cá tra thu về gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.
Một tin vui nữa là ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. “Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ” – đại diện Vasep thông tin.
Tuy nhiên, cũng theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, hiện nay, cả tôm và cá tra đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu ngay giai đoạn cao điểm chế biến, xuất khẩu cuối năm. Các doanh nghiệp phải linh hoạt hơn trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và các nguồn cung thay thế để tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.
Đưa ra những góp ý để ngành thủy sản phát triển và đạt được những kết quả khả quan hơn, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 4/11, một số đại biểu phản ánh một số chính sách về thuỷ sản chưa sát với thực tế, đồng thời đề nghị cần sớm tháo gỡ.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Đoàn Kiên Giang) chia sẻ về tình trạng nhiều tàu phải nằm bờ, nhiều ngư dân phải rời biển nhọc nhằn lên bờ tìm kế mưu sinh do giá hải sản lao dốc, trong khi chi phí ra khơi thì leo thang, tình trạng cạn kiệt ngư trường… cùng nguyên nhân đến từ cơ chế, chính sách.
Theo đại biểu Châu Quỳnh Giao, tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, các cơ quan quản lý chưa ban hành chính sách khoanh nợ, chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình tàu cá… nên gây khó khăn cho ngư dân, doanh nghiệp yên tâm vươn khơi bám biển.
Vì thế, đại biểu cho rằng cần thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững, chuyển đổi nhận thức từ tư duy nghề cá truyền thống sang nghề cá trách nhiệm, giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường thế giới về vấn đề xuất khẩu thuỷ hải sản.
Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn Nam Định) cũng đề xuất nên có các gói tín dụng cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số ngành cần đẩy mạnh như nông nghiệp và thủy sản, du lịch, chế biến, xuất khẩu… cũng như nên tăng cường khả năng cho vay của ngân hàng thương mại, giữ ổn định tỷ giá đồng USD…
Bên cạnh đó, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp…
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng, như dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối Quốc lộ 91C đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang...
Liên quan tới phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, ngày 4/11, Thủ tướng ký Công điện số 111 về tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để phát triển thủy sản bền vững.
Theo Bộ trưởng, vấn đề phát triển bền vững về trữ lượng tài nguyên biển là quan trọng. IUU là một bước để chúng ta tiến tới sự phát triển bền vững, vì 3 hành động bất hợp pháp, không đúng quy định, không khai báo đều nằm trong Điều 10 của Luật Thủy sản năm 2017, nghĩa là luật pháp cũng đã quy định 3 hành vi đó nhưng rất nhiều lý do mà chúng ta không thực thi.
"Tôi khẳng định những khuyến cáo của EU đã được cải thiện rất nhiều, đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo các địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại ở khoảng thời gian cuối cùng này”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
VIFEP (VN)