Thuỷ sản Nam Định – vừa phát triển vừa bảo vệ môi trường
(28/12/2020 12:00:00 SA)
Tỉnh Nam Định thuộc trung tâm
vùng Nam Đồng bằng sông Hồng; diện tích tự nhiên 1.652,8 km2 (đất nông nghiêp
là 112.000 ha). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 5 năm
gần đây tăng ổn định từ 2,5 – 3,0%/năm. Thuỷ sản có vai trò quan trọng trong
sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Diện tích nuôi trồng thủy sản
toàn tỉnh khoảng 16.300 ha, trong đó: nuôi nước ngọt 9.800 ha, nuôi mặn lợ
6.500 ha. Tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 là 9.100 tỷ đồng (giá hiện
hành) và 4.663 tỷ đồng (giá so sánh 2010), chiếm 32,4% cơ cấu ngành nông, lâm
nghiệp và thủy sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản trung bình hàng năm đạt hơn
94.000 tấn/năm (trong đó sản lượng nước ngọt: 47.500 tấn/năm, sản lượng nuôi
mặn lợ: 46.500 tấn. Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh các chất thải trong
quá trình nuôi trồng thủy sản gồm: nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy,
hóa chất và thuốc kháng sinh, chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các
chất độc hại có trong đất phèn. Đặc biệt, lớp bùn thải hình thành trong quá
trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi, ) ước tính hàng năm khoảng hơn 50.000
tấn/năm, trong đó chất thải do nuôi tôm công nghiệp trong ao đất khoảng gần
8.000 tấn/năm đã khiến cho tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, phát sinh
dịch bệnh cho các đối tượng nuôi cao.
Tỉnh Nam Định đã và đang đặc
biệt quan tâm đến công tác quản lý chất lượng môi trường nước, xử lý chất thải
trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch
và cấp kinh phí để thực hiện nhiêm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi
trồng thủy sản, trong đó tập trung quan trắc tại các vùng nuôi tôm nước lợ,
vùng nuôi ngao và một số vùng nuôi nước ngọt trọng điểm của tỉnh,... để đưa ra
các khuyến cáo hàng tháng cho người nuôi trồng thủy sản.
Các cơ quan chuyên môn của Sở
NN&PTNT thường xuyên cùng các đơn vị
liên quan tuyên truyền, phổ biến tới các hộ NTTS các biện pháp kỹ thuật về thu
gom, xử lý chất thải trong quá trình nuôi nhằm đảm bảo chất lượng nước trước
khi xả thải ra môi trường phải được xử lý và không làm ảnh hưởng đến môi trường
xung quanh; tuyên truyền các cơ sở nuôi tăng cường ứng dụng KHCN, sử dụng các
loại chế phẩm sinh học trong NTTS, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa chất,
kháng sinh trong NTTS...Đến nay, hầu hết các cơ sở nuôi đã thực hiện nghiêm túc
việc thu gom chất thải rắn; một số dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống vùng NTTS
đã được triển khai xây dựng và đến nay cơ bản các vùng NTTS tập trung đều đã
thiết kế xây dựng hệ thống kênh cấp, kênh thoát riêng biệt. Nhờ đó tình trạng ô
nhiễm môi trường do tác động của chất thải trong quá trình NTTS đã kiểm soát.
Một số cơ sở lớn, cơ sở sản xuất giống thủy sản đã xây dựng được đề án BVMT
trong quá trình sản xuất.
Việc chuyển đổi từ các mô hình
nuôi ao đất sang các ao nuôi lót bạt đã hạn chế tối đa lượng bùn thải trong quá
trình nuôi. Mặt khác, với việc ứng dụng các công nghệ nuôi như công nghệ nuôi
sinh học Biofloc, nuôi tôm công nghiệp qua 2,3 giai đoạn trong nuôi tôm thẻ
chân trắng (mật độ ương từ 1.000 – 3.000 con/m2), công nghệ nuôi tôm thẻ chân
trắng thâm canh kết hợp với công nghệ nuôi bằng chế phẩm sinh học đã và đang
được ứng dụng sâu rộng trong các vùng nuôi tập trung với những mô hình nuôi
trong ao nổi được bê tông hóa lót bạt, ao nổi tròn với nhiều ưu điểm vượt trội
giúp nâng cao nâng suất, hiệu quả kinh tế và phòng chống được một số loại bệnh
trên tôm nuôi. Đặc biệt lượng chất thải trong ao nuôi tôm thâm canh chỉ còn
khoảng 3.000 tấn/năm, giảm 37,5% so với các quy trình nuôi ao đất truyền thống.
Khó khăn lớn nhất hiện này là các
vùng nuôi trồng thủy sản trong địa bàn tỉnh được phân bố khá rộng và thuộc
nhiều địa phương khác nhau, do đó việc quan trắc, cảnh báo môi trường cho tất
cả các vùng nuôi là khá khó khăn, đòi hỏi nhân lực, vật lực lớn.
Trong thời gian tới, ngành thuỷ
sản Nam định vẫn sẽ tiếp tục vừa phát triển vừa bảo vệ môi trường để hướng tới
phát triển bền vững hơn.
Hồng Ngân
|