Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam
(22/10/2019 12:00:00 SA)
Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau gần 10 năm triển khai Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới 16 khu bảo tồn biển trên cả nước đang dần được thiết lập và hoàn thiện nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. Nhờ đó, công tác bảo tồn biển được duy trì tạo điều kiện cho mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác bảo tồn biển tại Việt Nam còn rất hạn chế do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, việc khai thác hoạt động du lịch, tận diệt hải sản thiếu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý đã và đang tác động rất lớn gây hệ quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên biển, từng bước làm suy giảm chất lượng của các hệ sinh thái dưới nước.
Điển hình phải kể đến các địa phương Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Phú Quốc là những điểm rất “nóng” và điển hình về việc khu bảo tồn biển bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các cơ sở du lịch. Ô nhiễm môi trường ven biển từ rác thải du lịch - đặc biệt là rác thải nhựa, đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các hoạt động nhấn chìm gần khu vực bảo tồn biển... đang trở thành vấn đề cấp bách.
Thảo luận tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, con số về số vụ vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn biển trên thực tế còn lớn hơn số vụ mà Tổng cục Thủy sản đưa ra. Đặc biệt, số vụ vi phạm tại một số khu bảo tồn biển đang có xu hướng tăng, các hoạt động trong khai thác, lặn bắt những loài hải sản nguy cấp quý hiếm ngay trong vòng nghiêm ngặt, tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, màng, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm, sử dụng chất nổ để khai thác trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (nhất là trong phân khu nghiêm ngặt) vẫn diễn ra nhưng cơ quan chức năng không có chế tài để xử phạt.
Các khu bảo tồn biển chưa có lực lượng kiểm ngư, tuần tra phối hợp không hiệu quả nên tình hình vi phạm pháp luật vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến các loài giá trị cao như hải sâm, tôm hùm, bào ngư, trai tai tượng, cầu gai sọ dừa... bị suy giảm rất lớn, hậu quả càng nghiêm trọng khi thực tế các khu bảo tồn biển chưa có các hoạt động nghiên cứu phục hồi tái tạo các nguồn lợi hải sản.
VIFEP (BP)
|