VIỆN KINH TẾ VÀ QUY HOẠCH THỦY SẢN - 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN


(03/05/2024 12:00:00 SA)

Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản thành lập đúng vào thời điểm cả đất nước đang giao thời chuyển từ bao cấp sang đổi mới, Viện bắt đầu vận mệnh của mình ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên với muôn vàn khó khăn, thử thách. Để rồi sau 40 năm cố gắng, nỗ lực xây dựng và phát triển, đã từng bước trưởng thành và khẳng định tầm vóc của mình trong sự phát triển chung của ngôi nhà Nông nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (7/5/1984-7/5/2024), Viện xin trích dẫn bài viết: "VIỆN KINH TẾ VÀ QUY HOẠCH THỦY SẢN - 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN" của TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản.


TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản


VIỆN KINH TẾ VÀ QUY HOẠCH THỦY SẢN - 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 6 tháng 9 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 95/HĐBT cho phép Bộ Thuỷ sản thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản. ngày 07 tháng 5 năm 1984, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ban hành Quyết định số 311/TS-QĐ do chính thức tách 2 bộ phận chủ yếu là Phòng Quy hoạch dài hạn thuộc Vụ Kế hoạch và Phòng Khảo sát xây dựng quy hoạch của Vụ Nuôi trồng thuỷ sản để thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản. Kể từ ngày đó, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản chính thức đi vào hoạt động với tư cách một cơ quan nghiên cứu độc lập trực thuộc Bộ. Đến ngày 31 tháng 12 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản tại Quyết định số 29/2004/QĐ-BTS.

Viện có nhiệm vụ chính như sau: Nghiên cứu các vấn đề về kinh tế - xã hội ngành thuỷ sản, bao gồm: Kinh tế nguồn lợi, kinh tế thị trường, kinh tế vùng, kinh tế địa phương, kinh tế môi trường và quản lý các thành phần kinh tế về thuỷ sản; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, chiến lược phát triển ngành thuỷ sản; Xây dựng quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản, các vùng kinh tế - sinh thái, bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản; Tham gia thẩm định, giám sát việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Thuỷ sản và của các ngành khác có liên quan đến hoạt động thuỷ sản; Chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Viện theo sự phân công của Bộ Thuỷ sản và theo quy định của pháp luật.

Những ngày đầu thành lập, Viện gặp phải rất nhiều khó khăn, thiếu thốn từ nhân lực tới phương tiện hoạt động. Không có trụ sở, Viện phải mượn 2 phòng của Bộ Thuỷ sản (cũ) để làm việc. Mười ba người đầu tiên từ những cơ quan khác nhau: Vụ Kế hoạch, Vụ Nuôi trồng thuỷ sản, Viện nghiên cứu Hải sản, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản… tập trung công tác tại Viện. Cùng với việc xây dựng đội ngũ, Viện đã bắt tay ngay vào nghiên cứu những vấn đề trọng đại đặt ra đối với ngành: Xây dựng chiến lược phát triển và phân bố lực lượng sản xuất ngành thuỷ sản cho thập niên cuối của thế kỷ 20.

Viện đã phối hợp và học hỏi các đơn vị đi trước như Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Viện Kinh tế nông nghiệp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế quốc dân... hoàn thành tốt những nhiệm vụ đầu tiên: Hoàn thành đề tài 70-01 (1985): Phân bố lực lượng sản xuất ngành thuỷ sản cả nước và phác thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội ngành thuỷ sản thời kỳ 1988-2005. Hai công trình này đã khẳng định sự hữu hạn của nguồn lợi thủy sản và cảnh báo về sự giảm sút nguồn lợi vùng ven bờ, những kiến nghị về sắp xếp lại lực lượng sản xuất và định hướng phát triển lấy thị trường làm động lực, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, lấy xuất nhập khẩu làm “cú hích” chiến lược, lấy phát triển nuôi trồng thuỷ sản làm định hướng chiến lược lâu dài... Với một hệ thống chỉ tiêu được tính toán, hoàn thiện từ thời kỳ mới thành lập, ngày nay trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, dù nền kinh tế đất nước và thế giới cũng như ngành thuỷ sản đã có những thay đổi và trải qua nhiều biến động, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản vẫn tiếp tục khẳng định vai trò tham mưu, tư vấn về chiến lược, chính sách phát triển thủy sản qua từng thời kỳ.

Theo thời gian phát triển, lực lượng của Viện ngày càng được tăng cường đông đảo cả về lượng và chất, nhiều cán bộ nghiên cứu, viên chức đã được đào tạo trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ… Hầu hết cán bộ nghiên cứu của Viện đã có trình độ trên đại học. Hiện nay, toàn Viện có 65 cán bộ, viên chức và người lao động trong đó có 04 tiến sỹ (chiếm 6,15%), 32 thạc sỹ (chiếm 49,23%), 29 đại học (chiếm 35,38%), 06 trình độ khác (chiếm 9,23%) với 5 phòng chức năng là: Văn phòng Viện; Phòng Quy hoạch thủy sản; Phòng Kinh tế, Chính sách; Phòng GIS Viễn Thám và Môi trường; Phòng Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế và 03 đơn vị trực thuộc: Phân viện Quy hoạch thuỷ sản phía Nam; Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá; Trung tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thuỷ sản.

Với đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn, trong 40 năm qua, Viện đã hoàn thành hàng trăm công trình lớn nhỏ. Từ các dự án quy hoạch tổng thể toàn ngành với các vùng phát triển rộng lớn như: Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung, Trung du miền núi, Tây Nguyên, vùng triều... Từ quy hoạch ngành quốc gia đến quy hoạch tỉnh, xây dựng các đề án, dự án phát triển thủy sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia…

   Đi đôi với công tác quy hoạch, Viện cũng xúc tiến nghiên cứu nhiều công trình để tham mưu cho Bộ trưởng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế xã hội và quản lý như: Vấn đề kinh tế thủy sản, hợp tác xã, các thành phần kinh tế, vấn đề hiệu quả xã hội và phát triển nông thôn, vấn đề quản lý vĩ mô và quản lý cộng đồng; các vấn đề quản lý sản xuất đến các vấn đề kinh tế môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, cam kết về lĩnh vực thủy sản tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Càng ngày những vấn đề nghiên cứu của Viện càng được mở rộng theo từng nhiệm vụ riêng biệt và được đánh giá cao.

Trước khi Luật Quy hoạch (2017) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Viện đã chủ trì, thực hiện thành công nhiều dự án quy hoạch và đã được ứng dụng trong thực tiễn định hướng phát triển ngành, trong đó phải kể đến một số dự án quy hoạch sau: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2006) đã đóng góp một phần lớn trong việc phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam; Quy hoạch phát triển thuỷ sản ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia; Quy hoạch và lập kế hoạch quản lý tổng hợp vùng bờ vịnh Hạ Long; Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng vùng cát ven biển miền Trung; Quy hoạch hệ thống quan trắc-cảnh báo môi trường trong ngành thuỷ sản đến năm 2010; Quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ vùng Đông - Tây Nam Bộ đến năm 2010; Quy hoạch phát triển khai thác hải sản gần bờ vùng Đông - Tây Nam Bộ đến năm 2010; Quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ vùng Vịnh Bắc Bộ đến năm 2010; Quy hoạch phát triển khai thác hải sản gần bờ các tỉnh ven biển Miền Trung đến năm 2010; Quy hoạch các cơ sở đào tạo trong Bộ Thuỷ sản đến năm 2010, tầm nhìn 2020; Thiết kế quy hoạch phát triển các vùng sản xuất giống nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 2001-2010; Xây dựng dự án bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chiến lược bảo vệ môi trường ngành thuỷ sản Việt Nam giai đoạn 2001-2010 - Kế hoạch hành động đến năm 2005; Nghiên cứu, xây dựng chiến lược khai thác hải sản Việt Nam đến năm 2020.

Trong thời gian gần đây, Viện đã tham mưu, tư vấn cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050; Hợp phần khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023); Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2021); Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021); Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2031-2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16 tháng 08 năm 2021); Đề án nâng cao nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 643/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2023); Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2024).

Ngoài các dự án quy hoạch cấp quốc gia góp phần vào định hướng chung cho cả nước, cho ngành và các địa phương, Viện còn thực hiện nhiều dự án quy hoạch, đề án phát triển thủy sản mang tính khả thi cao cho các địa phương như (Ninh Thuận, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau…) để tích hợp và triển khai Quy hoạch tỉnh.

Bên cạnh các dự án lập quy hoạch được triển khai, Viện còn tham gia vào nhiều dự án xây dựng chiến lược đặc biệt là việc xây dựng Chiến lược Biển đã được phê duyệt. Viện cũng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cho nhiều dự án phát triển ngành.

Tiếp đó, về thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Nhà nước và nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Viện đã chủ trì và thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu về kinh tế- xã hội ngành thuỷ sản cũng như các nghiên cứu chuyên ngành khác, trong đó phải kể đến các đề tài sau: Nghiên cứu xây dựng chính sách về ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến khai thác và nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình cá biển thích ứng với biển đổi khí hậu ở Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá rủi ro đa thiên tai và thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ và đề xuất các giải pháp chính sách chia sẻ rủi ro thiên tai (thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020); Nghiên cứu rào cản thương mại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường quốc tế quan trọng và đề xuất các giải pháp; Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa (lĩnh vực thủy sản); Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đánh giá tác động của ngành thuỷ sản đối với nền kinh tế quốc dân giai đoạn 1996-2000; Đánh giá tác động của khoa học công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế trong chế biến thuỷ sản; Nghiên cứu xây dựng đơn giá kinh tế cho quy hoạch chuyên ngành thuỷ sản; Đánh giá môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản ven biển Việt Nam và đề xuất các giải pháp quản lý; Đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến và nuôi trồng thuỷ sản.

Bên cạnh đó, Viện còn triển khai một số nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh: Quản lý tổng hợp vùng nuôi tôm có tính công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế; Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và kinh tế để chuyển đổi nghề te, xiệp sang nghề khác không xâm hại nguồn lợi hải sản; Đánh giá tác động môi trường của hoạt động nuôi tôm trên cát khu vực miền Trung thuộc tỉnh Ninh Thuận; Đánh giá tác động môi trường Đầm Nại và đề xuất các giải pháp xử lý; Các tiêu chí đánh giá tiềm năng phát triển nuôi cá nước ngọt tại tỉnh Hưng Yên bằng phương pháp phân tích thứ bậc (AHP), Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi rươi thương phẩm tại tỉnh Thái Bình. Kết quả là các đề tài nghiên cứu đã được đánh giá đạt yêu cầu và được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm góp phần vào việc định hướng phát triển và đóng góp rất lớn trong việc đề xuất các chính sách phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.

Ngoài các đề tài nghiên cứu khoa học kể trên, Viện còn chủ trì và tham gia một số đề tài nghiên cứu khoa học và được ứng dụng vào thực tiễn như xây dựng một số quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng trong ngành thuỷ sản.

Với các kết quả nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch, nghiên cứu về kinh tế - xã hội cũng như một số nghiên cứu cơ bản, Viện đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển ngành thuỷ sản, đóng góp vào việc tăng năng suất, sản lượng cũng như giá trị của ngành thuỷ sản, đặc biệt là góp phần vào việc tăng giá trị xuất khẩu của ngành và xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Việc xã hội hoá các sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được Viện chú trọng thông qua việc xuất bản các cuốn sách chuyên ngành, tuyển tập chính sách nghề cá, kỷ yếu hội thảo quốc gia. Viện cũng đã xây dựng website, bản tin nhằm cung cấp thông tin thường xuyên phục vụ công tác nghiên cứu và học tập. Viện không ngừng tăng cường hoạt động truyền thông về phát triển bền vững thuỷ sản, soạn thảo các văn bản liên quan tới phát triển bền vững ngành để lấy ý kiến thảo luận. Cán bộ trong Viện đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước. Viện đã tham gia thẩm định, đánh giá nhiều đề tài, dự án, văn bản chính sách, pháp luật cho Bộ, ngành và các địa phương liên quan.

Với chủ trương đa dạng hoá các hình thức và mức độ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng lực, đặc biệt để chuẩn bị nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Viện đã chủ động xúc tiến và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn từ những năm đầu 2000 đến nay, Viện đã chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiều dự án/nhiệm vụ hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước như: Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình phát triển (UNDP) của Liên Hiệp quốc, Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Trung tâm Nghề cá thế giới (WorldFish), Ủy ban sông Mekong (MRC), Hoa Kỳ, Đan Mạch, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, WWF, IUCN, TRAFFIC International, CARE International… trong đó phải kể đến một số dự án hợp tác góp phần vào sự phát triển ngành thuỷ sản đó là: Một số hợp phần của Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản (FSPS) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ: đánh giá nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam, đánh giá kinh tế – xã hội và các chính sách phát triển ngành thuỷ sản, Nghiên cứu áp dụng đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ; Phát triển kinh tế nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa-Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR); Nghiên cứu đồng quản lý nghề cá hồ chứa Việt Nam, chiến lược và lựa chọn nâng cao hiệu quả sản xuất thuỷ sản và nuôi trồng thuỷ sản cho người nghèo ở khu vực Châu Á, tạo thuận lợi cho quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam - Trung tâm Nghề cá Thế giới (WorldFish Center); Phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước lợ bền vững Đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam (GAMBAS) - Uỷ ban châu Âu (EC); Nâng cao năng lực quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam (ICM) - Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA); Xây dựng “Hướng dẫn đồng quản lý nghề cá qui mô nhỏ dựa vào quyền của cộng đồng ở Việt Nam” -  Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á  (SEAFDEC); Bảo tồn, chống buôn bán bất hợp pháp các loài rùa biển và thú biển -TRAFFIC International; Điều tra, khảo sát một số vấn đề về lao động nghề cá do ILO tài trợ.

Ngoài ra, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản còn là đầu mối và có cán bộ làm điều phối viên của một số chương trình, dự án hợp tác của Việt Nam với các tổ chức phát triển khác như: Đầu mối của khu vực ASEAN về môi trường biển và vùng ven bờ; trong đó có một cán bộ của Viện làm Trưởng nhóm công tác của khu vực ASEAN về môi trường biển và ven bờ; Thành viên (đại diện cho Bộ) của Uỷ ban Hải dương học Quốc tế của Việt Nam (IOC Vietnam); Thành viên của nhóm tác động hỗn hợp của Chính phủ về các vấn đề thượng nguồn sông MêKông; tham gia Tiểu ban khoa học Biển và Nghề cá trong nhóm công tác liên chính phủ về Hiệp định Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ; Tham gia Mạng lưới phát triển giới trong nghề cá hạ lưu sông Mê Kông với vai trò là điều phối viên trưởng mạng lưới phát triển giới quốc gia của Bộ Thủy sản Việt Nam; Thành viên Ban chỉ đạo diễn đàn toàn cầu về đại dương, vùng bờ và hải đảo; Thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mê Kông; Thành viên của Uỷ ban quốc tế về các khu bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái (IUCN - WCPA&CEM); Trưởng tiểu ban Giáo dục, Đào tạo và Truyền thông môi trường biển và ven biển của Mạng lưới quốc gia về Giáo dục, Đào tạo và Truyền thông môi trường.                                                                                                               

Viện đã chủ động trong việc tham gia vào các hội nghị, hội thảo quốc tế với các bài tham luận mang tính quốc gia; chính thức tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế về xúc tiến hợp tác phát triển trong nghiên cứu, đào tạo thuỷ sản và biển… Viện cũng đã cử nhiều lượt cán bộ đi công tác nước ngoài, chủ yếu tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, tham quan, học tập và đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ... Viện chủ trương tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn phù hợp tham gia làm việc cho các tổ chức quốc tế với điều kiện vẫn tham gia đóng góp xây dựng Viện lâu dài.

Có thể nói, thông qua các hoạt động quốc tế, nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện đã trưởng thành, được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cũng như phong cách làm việc và được phía đối tác đánh giá cao. Một số cán bộ được mời tham gia các tổ chức tư vấn quốc tế/khu vực. Nhiều cán bộ của Viện đã tham dự và báo cáo ở nhiều cuộc hội thảo tầm cỡ thế giới và khu vực như Hội nghị Thuỷ sản thế giới lần thứ 2 ở Australia, Hội nghị Nghề cá châu Á ở Bắc Kinh, Hội nghị quốc tế về chuyển đổi chính sách và chiến lược nghề cá thế giới ở Hisrihal - Đan Mạch, Hội nghị lần thứ 9 Viện Kinh tế và thương mại nghề cá quốc tế ở Na Uy... Nhiều lớp tập huấn quốc tế cũng đã được mở tại Viện nhằm trao đổi, nâng cao kiến thức về kinh tế thủy sản và quản lý nghề cá hiện đại, phát triển thủy sản bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu... với sự hỗ trợ của các đối tác như Đại học Quốc gia Australia, WorldFish Center...

Để thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng nghiên cứu và tăng cường sức mạnh tiềm lực vật chất cũng như khả năng chuyên môn của cán bộ nghiên cứu, Viện đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước. Viện luôn luôn hợp tác chặt chẽ với Viện Chiến lược phát triển, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Thiết kế và Quy hoạch nông nghiệp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia, Viện Kinh tế nông nghiệp, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, Viện Nghiên cứu Hải sản, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Khoa Thuỷ sản của một số trường đại học, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Để đạt được những thành tích và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của ngành thuỷ sản nước nhà, Viện đã tạo thành một sức mạnh tổng hợp vô cùng quý báu đó chính là sự đoàn kết nhất trí thương yêu nhau của toàn thể đảng viên, viên chức và người lao động trong Viện. Sức mạnh ấy được Viện luôn coi trọng vun đắp và xây dựng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết, thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, là vấn đề then chốt của thành công”. Đây cũng là một trong những thành tích về xây dựng Đảng, đoàn thể. Chi bộ Đảng của Viện là một tập thể lãnh đạo đoàn kết và thống nhất. Trong những năm vừa qua, Chi bộ luôn được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công tác phát triển Đảng luôn được Chi bộ chú trọng cả về số lượng và chất lượng đảng viên. Chi bộ luôn chú trọng việc tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao của người đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chi bộ, các tổ chức quần chúng trong Viện đã hoạt động gắn kết với nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Tổ chức Công đoàn của Viện nhiều năm liền được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh. Chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh luôn hoạt động tích cực trong các phong trào thanh niên cũng như góp phần lớn vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Viện, nhiều năm liền được tặng giấy khen của tổ chức Đoàn cấp trên.

Thấm nhuần đạo đức truyền thống của dân tộc Việt, hoạt động t thiện đã trở thành một nét đẹp văn hoá rất đáng trân trọng tại Viện. Các phong trào ủng hộ quỹ như: Quỹ Nhân đạo nghề cá, Quỹ Hỗ trợ trẻ em nghèo ven biển, Quỹ vì người nghèo và ủng hộ nạn nhân bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ... đều được viên chức, người lao động trong Viện hưởng ứng rất nhiệt tình. Viện đã tham gia cùng với các đơn vị trong khối các đơn vị sự nghiệp kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, ủng hộ cả bằng tinh thần và vật chất đối với một số xã nghèo, vùng sâu vùng xa phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, dân chủ cơ sở được thực hiện một cách triệt để, xây dựng lòng tin và hợp tác trong công việc, từng bước cải thiện nếp sống văn hoá công sở; chăm lo, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của viên chức, người lao động: Tổ chức động viên các hoạt động tập thể trong các ngày lễ kỷ niệm; Tổ chức thăm quan, nghỉ mát hằng năm; Khen thưởng, động viên kịp thời đối với con em của viên chức người lao động có thành tích học tập tốt, nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu; Đẩy mạnh tham gia các phong trào văn hoá thể thao... Qua đó tinh thần đoàn kết của viên chức, người lao động trong Viện ngày càng được tăng cường.

Những kết quả, thành tựu Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản đạt được trong 40 năm qua tất nhiên không thể tách rời sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, gần đây nhất là Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, luôn coi trọng vai trò của Viện và đã tạo mọi điều kiện để Viện hoạt động. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự giúp đỡ, hợp tác chặt chẽ của các đơn vị trong ngành như Tổng cục Thủy sản, nay là Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, các Vụ chức năng của Bộ, đồng nghiệp liên quan trong và ngoài ngành đã luôn hỗ trợ, cộng tác và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Viện hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng 40 năm xây dựng và phát triển của Viện được ghi nhận qua các phần thưởng cao quý, đánh dấu bằng những thành tựu rất đáng khích lệ: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2004 và năm 2018, Huân chương lao động hạng Ba năm 2009; các Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhiều năm liên tục, Viện đạt danh hiệu: Tập thể Lao động xuất sắc.  

Những vinh dự trên như tiếp thêm sức mạnh để tập thể lãnh đạo và cán bộ nghiên cứu, viên chức, người lao động của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của mình, đồng thời chú trọng xây dựng nguồn lực, đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, kỹ thuật; có bản lĩnh, có trách nhiệm, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn cải tiến lề lối làm việc để đạt hiệu quả cao trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập như hiện nay.

Sau khi ngành Thuỷ sản đã về ngôi nhà chung của toàn ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện (Quyết định số 396/QĐ-BNN ngày 19 tháng 02 năm 2009). Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Thủy sản (Quyết định số 05/2010/QÐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2010), Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản có vị trí là một đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản với chức năng, nhiệm vụ là đơn vị nghiên cứu, tư vấn về quy hoạch và chính sách phát triển thủy sản cho Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại một lần nữa quyết định để Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản trở lại là đơn vị thuộc Bộ (Quyết định số 3909/QĐ-BNN-TCCB ngày 12 tháng 9 năm 2014 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản; Quyết định số 3023/QĐ-BNN-TCCB ngày 01 tháng 8 năm 2019 sửa đổi Khoản 2 Điều 3 Quyết định số 3909/QĐ-BNN-TCCB) và giao bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ.

Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của Viện chủ yếu tập trung vào:

Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ chính sách quản lý, chiến lược phát triển ngành thuỷ sản và đánh giá tác động của chính sách, chiến lược đối với quá trình phát triển ngành thuỷ sản. Điều tra, nghiên cứu các vấn đề kinh tế-xã hội- môi trường phát triển ngành thuỷ sản, bao gồm: Kinh tế nguồn lợi, kinh tế thị trường, kinh tế vùng, kinh tế địa phương, kinh tế môi trường và các vấn đề văn hoá, xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu liên quan đến quản lý, sử dụng tài nguyên thuỷ sản đối với ngành thủy sản.

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế thủy sản; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật viễn thám - GIS và các công nghệ khác để xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ phục vụ các dự án quy hoạch, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển thuỷ sản.

Nghiên cứu thị trường, ngành hàng thuỷ sản, các thành phần kinh tế và các mô hình quản lý, tổ chức sản xuất phát triển thuỷ sản. Nghiên cứu về hội nhập kinh tế quốc tế liên quan đến lĩnh vực phát triển thuỷ sản. Điều tra, đánh giá các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển thủy sản. Nghiên cứu biến đổi khí hậu liên quan đến phát triển thủy sản.

Tham gia thẩm định các dự án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển ngành thuỷ sản và của các ngành khác có liên quan đến hoạt động thuỷ sản. Chủ trì hoặc tham gia thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về phát triển thuỷ sản bền vững. Phối hợp với các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo đại học, trên đại học, bồi dưỡng cán bộ phục vụ phát triển nguồn nhân lực ngành thuỷ sản.

 Thông tin chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển thuỷ sản; Thông tin quản lý tài nguyên, môi trường phát triển thuỷ sản; Thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ phát triẻn ngành thuỷ sản; Thông tin về các vấn đề văn hoá, xã hội môi trường và biến đổi khí hậu trong phát triển thuỷ sản. Tư vấn thiết kế, xây dựng các tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển nghề cá bền vững có trách nhiệm.

Với những nhiệm vụ được giao này, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản vẫn đang tiếp tục thực hiện bằng tất cả trách nhiệm, trí tuệ và tâm huyết của mình để ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng với các yêu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới về đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, phát thải carbon thấp, phát thải ròng bằng không.

Bốn mươi năm xây dựng và trưởng thành, đã có những người mãi mãi ra đi vào cõi vĩnh hằng, có những người do nhiều điều kiện khác nhau đã chuyển công tác và trong tương lai vẫn tiếp tục còn nhiều cuộc chia tay... nhưng dù đi đâu, về đâu chắc chắn trong tiềm thức của mỗi người không bao giờ quên được những năm tháng với bao kỷ niệm ấm áp nghĩa tình ở ngôi nhà Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản.

Với truyền thống và những thành tựu đạt được trong gần nửa thế kỷ qua, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản hoàn toàn vững tin sẽ đảm đương trọng trách mà Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao phó; góp phần cùng toàn ngành đưa nước ta trở thành một nước mạnh về biển, giàu lên từ biển như  Đảng đã định hướng và đó cũng là khao khát của bà con ngư dân và của cả dân tộc ta./.

 

                                                                                                  TS. Nguyễn Thanh Bình

                                                                      Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản                                                                           

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị đánh giá hiện trạng, xác định khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp cho việc phát triển bền vững ngành nhuyễn thể và rong tảo biển   (26/12/2024 12:00:00 SA)
 Kế hoạch, chính sách và giải pháp thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản   (24/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...