Vui, buồn xuất khẩu cá tra Việt Nam


(22/05/2023 12:00:00 SA)

Kim ngach xuất khẩu cá tra 4 tháng năm 2023 giảm tới 46% so với cùng kỳ đã cho thấy thị phần cá tra Việt trên trường quốc tế bị tụt hạng. Để duy trì phong độ xuất khẩu mặt hàng tỷ USD này, các doanh nghiệp rất cần được tiếp vốn, giảm lãi suất cho vay.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa

Cá tra Việt đi khắp năm châu

Cá tra là loài cá thịt trắng nuôi đặc trưng của Việt Nam. Sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng trên thị trường thế giới yêu thích vì sự tiện lợi, hương vị trung tính, dễ chế biến và giá cả phù hợp với mọi phân khúc tiêu thụ.

Tính đến năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như: Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản.

Theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn 2017 – 2022, mặc dù diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm nhưng sản lượng cá tăng dần từ 1,2 triệu tấn năm 2017 lên 1,7 triệu tấn năm 2022, cho thấy năng suất nuôi cá tra ngày càng được cải thiện.

Sự phổ biến của cá tra và sự nỗ lực của cộng đồng DN Việt Nam đưa cá tra đi khắp năm châu, đã giúp cho ngành này mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng cá tra đã chiếm 16 - 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Các thị trường và nhóm thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN, Trung Đông, Mexico, Brazil, Anh, Nga, các nước thuộc khối CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra tăng liên tục trong những năm gần đây. Cụ thể: Năm 2020 có 320 DN; năm 2021 tăng lên 380 DN và năm 2022 số DN tham gia xuất khẩu lên tới 435.

Đáng chú ý, sản phẩm cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng xuất khẩu cá tra trong thời gian qua. Trong 3 năm gần đây, tỷ trọng trung bình của cá tra phile đông lạnh chiếm 85 – 86% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định: Năm 2022, xuất khẩu cá tra Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Nhờ vào yếu tố sản xuất chế biến hồi phục, nhu cầu trên các thị trường đều tăng mà giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20 – 55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Mặt khác, xung đột Nga – Ukraine khiến nguồn cung cá thịt trắng tại nhiều thị trường sụt giảm, tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam tăng thị phần.


Doanh nghiệp phải bán sản phẩm với giá rẻ để xoay vòng vốn

Dự báo về tình hình xuất khẩu, VASEP cho rằng dù ít nhiều bị tác động đến nhu cầu tiêu thụ và thực phẩm, nhưng năm 2023 tiêu thụ cá tra vào các thị trường sẽ vẫn ổn định. Tuy nhiên, trái với dự báo của VASEP, xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt gần 600 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.

Cộng đồng DN mong muốn Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho DN. Đặc biệt là những biện pháp hỗ trợ sớm nhất như giảm giá thuê đất, giá điện... để DN cá tra không lâm vào cảnh kiệt quệ, phá sản.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe

Nhìn nhận về thị trường Trung Quốc, đối tác nhập khẩu cá tra lớn của Viêt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang Trần Thị Vân Loan chia sẻ: Trung Quốc rất khó tính, họ yêu cầu sản phẩm cá tra phải đạt chất lượng rất cao và ổn định.

Do đó, đối với Trung Quốc, việc xây dựng chiến lược riêng cho xuất khẩu cá tra là cần thiết, đặc biệt là phải kiểm soát chất lượng xuất khẩu đồng nhất và luôn giữ hình ảnh con cá tra Việt Nam. Thị trường 1,4 tỷ dân này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội để các DN có thể mở rộng thị trường, tăng kim ngạch cũng như giá trị xuất khẩu cá tra.

Với thị trường Mỹ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (Tiền Giang) Dương Ngọc Minh cho biết: Mặc dù luôn nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay xuất khẩu sang Mỹ vẫn vướng vụ kiện chống bán phá giá cho cá tra. Đó cũng là nguyên do chỉ một số rất ít DN được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, là một điều bất lợi cho cá tra Việt Nam.

Còn tại thị trường EU, từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng cá tra. Tuy nhiên, vì nhiều lý do cạnh tranh không lành mạnh, hiện nay, xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Chia sẻ về những khó khăn nội tại của xuất khẩu cá tra, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: Cá tra cũng giống ngành khác phải chịu chi phí đầu vào tăng cao. Trong khi đó, đa phần DN chế biến cá tra vẫn trong cảnh thiếu vốn, phải bán sản phẩm với giá rẻ để xoay vòng vốn khiến DN càng thêm chật vật.

Vì vậy, VASEP đề nghị các bộ, ngành, Chính phủ quan tâm đặc biệt để tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn ưu tiên cho sản xuất và giảm lãi suất vay để hỗ trợ DN.

VIFEP (KTĐT)


Xem thêm >>

Tin tức
 Chuyển đổi xanh: Hướng đi bền vững của ngành thủy sản   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản mang về hơn 8,3 tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ đô/tháng   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp để giữ vững mục tiêu tăng trưởng   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu cá tra thu về gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Đón sóng từ thị trường, xuất khẩu thủy sản cần vượt rào cản để bứt phá   (27/09/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản trước cơ hội và thách thức lớn   (19/09/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...